Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông phát triển kinh tế - xã hội

Theo Thụy Anh/ Báo Long An

Hai nhiệm kỳ qua, bằng nhiều nguồn lực, hệ thống giao thông - vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh Long An đang dần hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại có tính kết nối cao. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp tỉnh đạt mục tiêu trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như đóng góp không nhỏ trong công tác bảo đảm an toàn giao thông

Hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ giúp thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Thụy Anh
Hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ giúp thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Thụy Anh

Hệ thống giao thông - vận tải từng bước đồng bộ

Long An có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ miền Đông Nam bộ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Đồng thời, tỉnh có biên giới, hệ thống các cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh- trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, dù có tiềm năng lớn nhưng nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh vẫn gặp những khó khăn nhất định do bất cập về hệ thống hạ tầng GTVT thiếu đồng bộ. Ngoài những tuyến Quốc lộ (QL) hiện hữu và tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương thì hầu hết mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh chỉ là những tuyến đường tỉnh với mặt đường nhỏ, hẹp, thiếu tính kết nối.

Trước thực tế đó, để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cửa ngõ miền Tây, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định rõ tầm quan trọng của giao thông và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Long An thực hiện 3 công trình trọng điểm và 14 công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông. Trong đó, 14 dự án công trình giao thông tập trung ở 4 huyện phát triển công nghiệp gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc với tổng mức đầu tư trên 5.855 tỉ đồng, góp phần cải tạo, nâng cấp và mở rộng gần 95km đường; trong đó, cải tạo, nâng cấp, mở rộng gần 70km và làm mới gần 24km.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung, tiếp nối thành công của nhiệm kỳ trước, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục được Đại hội đưa vào nghị quyết nhiệm kỳ.

Trong đó, xác định trong nhiệm kỳ đầu tư thực hiện 3 công trình trọng điểm và 8 công trình giao thông thực hiện chương trình đột phá. Tất cả công trình nằm trong chương trình đột phá và công trình trọng điểm được lựa chọn nằm trên địa bàn TP.Tân An và các huyện trọng điểm như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc nhằm kết nối phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh và TP.HCM cũng như thông thương về các tỉnh miền Tây.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, ước tính tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá khoảng 29.928 tỉ đồng với cơ cấu vốn 61,2% từ ngân sách nhà nước tương đương 18.308 tỉ đồng và 38,8% vốn huy động từ các thành phần kinh tế tương đương 11.620 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoài Trung khẳng định, từ việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống GTVT những năm qua, đến nay, mạng lưới giao thông trong tỉnh đã dần hoàn thiện, đồng bộ, có tính kết nối cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân trong thời điểm hiện tại, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư.

Hàng loạt công trình giao thông tiếp tục được thực hiện

Có thể thấy, việc huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH mà còn góp phần không nhỏ trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Tuyến tránh QL1 đoạn qua địa bàn TP. Tân An trước đây từng là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông do đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, lượng phương tiện giao thông cao. Hầu hết các khung giờ cao điểm, lượng xe container, xe tải, xe khách phải xếp hàng di chuyển chậm. Chưa kể mỗi dịp lễ, tết, tuyến đường này hầu như đều xảy ra tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, sau nhiều kiến nghị của tỉnh, năm 2018, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp toàn tuyến tránh và xây mới thêm 1 cầu Tân An. Sau 2 năm thi công, năm 2020, dự án đầu tư, mở rộng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Tân An chính thức hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.

Anh Nguyễn Minh Tài - lái xe tuyến Mỹ Tho - Bến xe miền Tây, cho biết: “Từ ngày tuyến tránh TP. Tân An được nâng cấp, mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông. Mặt đường được thảm nhựa mới, đẹp cùng hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu, giải phân cách cứng giữa 2 làn đường giúp chúng tôi yên tâm lái xe, không lo xảy ra tai nạn giao thông”. Tương tự, các tuyến QL như QL1, QL62, dù chưa được đầu tư mở rộng nhưng trong thời gian qua cũng được ngành Giao thông bố trí nguồn vốn, kinh phí để sửa chữa kịp thời những đoạn hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, từ nay cho đến hết nhiệm kỳ, ngành Giao thông tiếp tục triển khai hàng loạt công trình giao thông nhằm xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm an toàn giao thông.

Theo Sở GTVT, bên cạnh đầu tư 3 công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ này gồm hoàn thiện đường vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830E và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng QL50B, thực hiện chương trình đột phá về giao thông, trong nhiệm kỳ này, ngành Giao thông xác định 8 công trình giao thông trong giai đoạn 2020-2025, gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh, có chiều dài 6,2km, quy mô đường đô thị, nền đường rộng 60m với điểm đầu bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối là ranh TP. Hồ Chí Minh; Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu với chiều dài 12,8km, điểm đầu giao với đường kết nối ĐT830 đến đường Hải Sơn - Tân Đô, điểm cuối là cầu Tân Bửu với quy mô đường đô thị 6 làn xe cơ giới + 4 làn hỗn hợp, nền đường rộng 102m; ĐT826E, đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc, chiều dài 1,6km với quy mô đường đô thị 6 làn xe, nền đường rộng 40m;

Đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E với chiều dài khoảng 2km quy mô nền đường rộng 40m; trục động lực Đức Hòa, chiều dài khoảng 22km, quy mô đường đô thị 4 làn xe, nền đường rộng 33m; nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu Kênh Ranh, chiều dài gần 2,2km, quy mô nền đường rộng 25m, mở rộng đường song hành 5m x 2 bên, mặt đường rộng 15m, 4 làn xe; đường Tân Tập - Long Hậu đoạn từ đường Vành đai 4 đến ĐT830, chiều dài 4,6km với quy mô đường cấp 3 đồng bằng và cuối cùng là nút giao đường Hùng Vương - QL62, TP.Tân An.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá trong giai đoạn 2020-2025 khoảng 29.928 tỉ đồng với cơ cấu vốn 61,2% từ ngân sách nhà nước tương đương 18.308 tỉ đồng và 38,8% vốn huy động từ các thành phần kinh tế tương đương 11.620 tỉ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT đang phối hợp tốt với TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đến năm 2023 khởi công dự án đường Vành đai 3.

“Sau khi những công trình thuộc chương trình đột phá và công trình trọng điểm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, liên hoàn, có tính kết nối cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH cũng như bảo đảm an toàn giao thông” - ông Nguyễn Hoài Trung khẳng định