Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch. Qua đó, đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII, Đảng ta cũng đã xác định rõ quan điểm: "Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại".
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật. Theo đó, quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 22 lần. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.
Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam ký kết và tham gia 15 hiệp định hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc...
“Những bất cập trên đã làm cho tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra; thu nhập bình quân đầu người gia tăng với tốc độ chậm và vẫn nằm ở mức thấp, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu; yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng rút ngắn đứng trước nhiều thách thức; năng suất lao động còn thấp so với yêu cầu phát triển…”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Trong 2 năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây nên. Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã chuyển sang chuyển trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Kết quả cho thấy Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Kinh tế quý I/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng mạnh. Đặc biệt, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P vừa nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột tại Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, có khả năng thích ứng và chống chịu được trước những biến chuyển và tác động bất lợi từ bên ngoài.