Xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả
Kế hoạch hành động xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao tới năm 2030 và tầm nhìn 2045 phải hướng đến xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả

Những năm qua, công tác đối ngoại nước ta ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế, từ hội nhập kinh tế đơn thuần chuyển sang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong những vấn đề và cơ chế quan trọng có tầm chiến lược cũng như đóng góp thiết thực, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Song hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, Bộ Ngoại giao hiện đang xây dựng Dự thảo kế hoạch hành động xây dựng và phát triển ngành ngoại giao tới năm 2030 và tầm nhìn 2045 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch hành động xây dựng và phát triển ngành ngoại giao tới năm 2030 và tầm nhìn 2045 diễn ra ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kế hoạch phải cụ thể hóa tất cả chủ trương, đường lối của Đảng tại các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, gần đây nhất là Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; kế hoạch cần mang tính hành động, tính chiến đấu, tính cụ thể và tính khả thi trong thực tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu, kế hoạch cần quán triệt quan điểm nâng tầm công tác đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình, xác định đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên, xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, cả song phương và đa phương. Cùng với đó, quán triệt tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động đối ngoại, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, phát triển đất nước, ổn định tình hình trong nước, tình hình nhân dân, mục tiêu cuối cùng là nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục phát triển hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tương xứng với thế và lực của đất nước. Cùng với đó, hiện đại hóa, số hóa hoạt động, trụ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ thiện chiến, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng cán bộ cả về chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, bản lĩnh, yêu nghề nghiệp, gắn kết với cộng đồng; có kế hoạch đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho cơ sở vật chất; nhanh chóng rà soát, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng lưu ý, trong hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm đầu mối, tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các đại sứ, nhất là quản lý tập trung, thống nhất, tăng cường gắn kết giữa các lực lượng liên quan.
Kế hoạch cũng cần quan tâm đến việc tiếp tục xây dựng, phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam; quốc tế hóa bản sắc, giá trị văn hóa Việt Nam và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.