Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. Lê Thị Tú Anh – Trường Đại học Thương mại

Văn hóa doanh nghiệp trở thành bản sắc riêng, là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để mỗi doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việt Nam có hơn 900 nghìn DN đang hoạt động.
Việt Nam có hơn 900 nghìn DN đang hoạt động.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, với tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ số, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn cần dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, văn hóa doanh nghiệp trở thành bản sắc riêng, là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để mỗi doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng.

CMCN 4.0 trao quyền cho các chủ doanh nghiệp (DN) kiểm soát và cho phép họ tận dụng nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng. Trong tương lai, những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 dự kiến sẽ còn phát triển, tác động mạnh mẽ hơn nữa đến sự tồn tại, phát triển của DN, do đó các DN cần sẵn sàng để chuẩn bị cho mọi sự thay đổi trong vận hành và quản trị DN.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 900 nghìn DN đang hoạt động. Trong quá trình hoạt động, đội ngũ doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hướng đến cộng đồng. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ DN nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đây là những nét văn hóa DN hết sức tích cực, tốt đẹp của các DN Việt Nam hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN có cạnh tranh thành công trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa DN. Nói cách khác, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, nhà quản trị DN cần thực sự chú trọng đến văn hóa DN nhằm góp phần nâng cao hiệu quả động và xây dựng một môi trường hoạt động hài hòa trong DN. Thực tế này cho thấy, việc xây dựng văn hóa DN trong cuộc CMCN 4.0 là một trong những nhiệm vụ hết sức cần thiết.

Văn hóa doanh nghiệp dưới tác động CMCN 4.0

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng có thể thống nhất định nghĩa về văn hóa DN như sau: Văn hóa DN chính là hệ thống các giá trị, quan niệm và nguyên tắc hành vi được chia sẻ bên trong DN, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và cách thức hành động của các thành viên, tạo nên bản sắc riêng của mỗi DN. Như vậy, văn hóa DN là bản sắc riêng có, là tư tưởng và niềm tin phát triển của DN. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, một “chỉ số” đánh giá về năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các DN phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong CMCN 4.0. Nói cách khác, DN có phát triển bền vững trong CMCN 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn cần dựa trên sự đầu tư vào văn hóa DN. Các nghiên cứu cho thấy, CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều tác động đến nền tảng văn hóa DN. Cụ thể:

Tác động tích cực

- Giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động bởi trong CMCN 4.0, người máy có thể thay thế con người trong nhiều khâu, nhiều công đoạn trong sản xuất. Tuy nhiên, người máy, trí tuệ nhân tạo khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối… - những yếu tố mang lại sự sáng tạo, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, công việc tối ưu.

- Thay đổi về cách thức điều hành trong DN. Trong CMCN 4.0, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay cho văn hóa áp đặt. Đối với người lãnh đạo DN hiện nay, văn hóa “áp đặt” được áp dụng rất phổ biến để đảm bảo người lao động tuân thủ quy trình, chấp hành nội quy làm việc nhằm đạt kết quả công việc mong muốn. Tuy nhiên, CMCN 4.0 sẽ thay đổi nhiều quy trình, nhiều cách thức vận hành, do vậy, nhà quản trị DN cũng phải thay đổi cách thức quản lý, điều chỉnh các giá trị trong văn hóa DN để mang lại hiệu quả hoạt động tối ưu nhất cho DN mình.

- Thay đổi nếp nghĩ, cách làm việc của người lao động. Văn hóa DN được kiến tạo, bồi đắp bởi những nếp suy nghĩ và cách thức hành động của các thành viên để tạo nên bản sắc riêng của mỗi DN. CMCN 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, cũng đồng nghĩa với việc giúp cho người lao động trở nên chuyên nghiệp, đa năng hơn.

Tác động tiêu cực

- Với sự thay thế của máy móc và các công cụ quản lý mới, con người có thể được phân công theo năng lực, đánh giá hiệu quả công việc rất rõ ràng. Dẫn đến người lãnh đạo chỉ cần quan tâm đến hiệu quả mỗi cá nhân làm được mà không để ý đến các khâu trung gian. Trong một DN, cơ chế quản lý cứng nhắc, độc đoán sẽ làm nhân viên sợ hãi, thụ động và thờ ơ hoặc tìm cách đối phó lãnh đạo.

- CMCN 4.0 có thể làm suy giảm tính đoàn kết, tính tập thể, sự sẻ chia. Trong một môi trường như vậy, các giá trị nền tảng mang tính nhân văn để tạo nên văn hóa DN sẽ bị ảnh hưởng khi con người được ví von “làm việc không khác gì cỗ máy”.

- CMCN 4.0 mang lại những quy trình, cách thức rõ ràng nhưng có thể làm suy giảm nhu cầu sáng tạo và đặc biệt có thể tạo ra tâm lý sợ rủi ro. Tâm lý này đè nặng lên người lao động trong khi sự cạnh tranh về công việc trở nên càng phức tạp. Sự cạnh tranh thiếu công bằng hoặc thiếu văn hóa bắt nguồn từ tâm lý sợ rủi ro có thể dẫn đến sự xói mòn về văn hóa DN, hoặc làm ảnh hưởng đến sự phát triển được những giá trị văn hóa tốt đẹp trong DN.

Giải pháp thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam trong CMCN 4.0

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu để phát triển đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Bên cạnh đó, Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…” và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Trong 2 năm 2020-2021, cùng với cả nước, các DN, doanh nhân phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nhân, DN đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng, chống đại dịch.

Đội ngũ doanh nhân đóng góp quan trọng vào những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời gian qua. Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước, thậm chí gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới…

Có thể nói, trong những năm gần đây, văn hóa DN đã được quan tâm nhiều hơn, thể hiện được tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, lan tỏa các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng DN vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Đây chính là những nét văn hóa DN nền tảng hết sức quan trọng nhằm giúp DN tiếp tục kiến tạo những giá trị văn hóa dưới tác động của kỷ nguyên số. Trong thời gian tới, nhằm xây dựng văn hóa DN trong kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0, cần chú trọng một số nội dung sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành một nghị quyết mới của Đảng để phát triển văn hoá DN, nhằm mang lại những năng lượng tích cực, niềm tin mạnh mẽ cho sự xây dựng, phát triển bền vững và trường tồn của đội ngũ doanh nhân Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trong thời kỳ CMCN 4.0.

- Việt Nam đang hướng tới một nhà nước pháp quyền và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó cần khuyến khích cộng đồng DN xây dựng tầm nhìn theo bốn nội dung chủ yếu: Thượng tôn pháp luật, Hiệu quả, Đạo đức kinh doanh và Hoạt động hướng đến xã hội. Khi các nội dung này đóng vai trò xuyên suốt trong đời sống sản xuất kinh doanh của DN thì sẽ tạo được uy tín và thương hiệu của DN trên thương trường. Việc xây dựng văn hóa DN trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng cơ bản xoanh quanh 4 nội dung này.

- Nghiên cứu xem xét yếu tố văn hóa DN như là một tiêu chí để Nhà nước thực hiện các sách hỗ trợ đối với các DN. Chẳng hạn, với những DN có xây dựng văn hóa DN tốt, thể hiện tốt trách nhiệm, đóng góp cho xã hội nhiều thì được miễn giảm thuế, hỗ trợ, ưu tiên các khoản vay để phục vụ sản xuất kinh doanh...

Đối với doanh nghiệp

- Thay đổi nhận thức về sự tiếp biến của văn hóa DN trong bối cảnh CMCN 4.0. Hơn lúc nào hết, các DN cần nhận thức văn hóa DN là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị DN, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt DN phát triển bền vững trong thời CMCN 4.0. Đồng thời, cần nhận thức được việc xây dựng văn hóa DN trong kỷ nguyên 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác, tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc. Từ đó, DN tận dụng được cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.

- Để phát triển văn hóa DN, thì vai trò của các cá nhân từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên đều hết sức quan trọng. Văn hóa DN phải do tập thể DN tạo dựng nên và quá trình này chỉ có thể thành công với sự đóng góp tích cực của mọi thành viên trong DN. Trong đó, người lãnh đạo DN phải là tấm gương về văn hóa DN. Lãnh đạo là người đặt nền móng xây dựng văn hóa DN, và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, quan trọng nhất đối với văn hóa DN nói riêng và sự phát triển bền vững của DN nói chung. Họ phải đưa ra những quyết định hợp lý trong việc xây dựng hệ thống giá trị văn hóa DN, và phải là người đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra, để làm động lực gắn kết các thành viên trong DN thực hiện theo.

- Khích lệ sự đổi mới, sáng tạo. Ở một phương diện nào đó, CMCN 4.0 có thể làm giảm sự đổi mới sáng tạo trong mỗi cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đảm bảo sự phát triển và khả năng cạnh tranh của DN. Do vậy, với những DN có môi trường văn hóa làm việc tốt, nếu được khuyến khích đưa ra sáng kiến, ý tưởng của mình… thì nhân viên sẽ năng động, sáng tạo hơn và gắn bó với DN hơn. Họ thấy được mục tiêu, định hướng và bản chất của công việc trong một nền văn hóa tích cực và điều này có ý nghĩa rất lớn đến việc nỗ lực thực hiện công việc của họ. Đồng thời, nó cũng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa nhân viên với nhau.

Kết luận

Trong CMCN 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người thực hiện rất nhiều công việc từ đơn giản đến phức tạp với quy trình xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn có những nhiệm vụ, những giá trị khó có thể thay thế bởi robot mà cần có con người thao tác, điều hành. Nói cách khác, dù thành tựu của CMCN 4.0 có rất nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực song yếu tốt văn hóa DN không thể lu mờ, hay mất đi. Hơn lúc nào hết, các DN cần tập trung xây dựng văn hóa DN trong chiến lược phát triển của mình nhằm hài hòa những lợi ích, thách thức giữa công nghệ và giá trị văn hóa để giúp DN phát triển ổn định, bền vững.  

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Tiếp (2022), Tiếp sức để đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển, Thông tấn xã Việt Nam;

2. Đoàn Duy Khương (2022), Phát triển Văn hoá kinh doanh, Báo điện tử Chính phủ;

3. Ngọc Quốc (2022), Văn hóa doanh nghiệp – Yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp;

4. Hà Thu Thanh (2022), Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0, Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp;

5. Hải Yến (2020), Văn hóa doanh nghiệp thời 4.0: Con người vẫn là yếu tố quyết định, Thời báo Ngân hàng điện tử.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022