Xe ô tô điện Trung Quốc "tạo sóng" tại thị trường châu Âu
Tại thị trường châu Âu siêu cạnh tranh, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc rất muốn chứng minh rằng sản phẩm của họ có thể sánh ngang với những thương hiệu lâu đời hơn.
Euro NCAP vừa thông báo rằng ba mẫu xe điện Trung Quốc đã đạt được xếp hạng 5 sao trong các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt. Cụ thể, 3 mẫu đó là BYD Seal, BYD Dolphin và XPeng P7.
Cả ba đều đạt được xếp hạng sao cao nhất của Euro NCAP và đều được trang bị tốt với một loạt công nghệ an toàn ấn tượng, bao gồm hỗ trợ làn đường và tốc độ.
Euro NCAP là tổ chức đầu tiên trên thế giới yêu cầu có hệ thống phát hiện sự hiện diện của trẻ em trên xe. Trang bị này đặc biệt cần thiết vào thời tiết nắng nóng, khi người lớn có thể bỏ quên trẻ em trên xe.
Cả BYD Seal và Dolphin đều được trang bị tính năng phát hiện sự hiện diện của trẻ em trong khi XPeng P7 hiện thiếu trang bị này.
Trung Quốc đã bảo vệ thị trường của mình trong khoảng 50 năm qua. Bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào muốn vào và sản xuất ô tô tại thị trường nội địa đều phải thành lập liên doanh 50:50 với một nhà sản xuất xe địa phương.
Vào năm 2017, điều này đã kết thúc khi Tesla tuyên bố sẽ thâm nhập thị trường Trung Quốc và xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải mà không cần đối tác địa phương do yêu cầu đã được dỡ bỏ.
Ở chiều ngược lại, các hãng xe Trung Quốc lại muốn vượt ra khỏi thị trường nội địa và gia nhập vào các thị trường lớn khác trên thế giới như thị trường châu Âu, thị trường Mỹ,...
Các nhà sản xuất Trung Quốc rất muốn chứng minh rằng ô tô của họ có thể sánh ngang với những thương hiệu lâu đời hơn.
Feng Mu, Chủ tịch GWM (Great Wall Motor) cho biết: ''Việc mở rộng ra nước ngoài của các hãng xe Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cam kết của chúng tôi là không thể lay chuyển và chúng tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ thâm nhập các thị trường mới”.
Oliver Blume, Giám đốc điều hành Volkswagen, cho rằng: “Khi có sự cạnh tranh mạnh mẽ, bạn phải hoàn thiện bản thân; bạn không thể nghỉ ngơi và hài lòng với những gì mình đã đạt được”.
“Tôi là người ủng hộ thương mại toàn cầu vì đó là lợi thế lớn để tất cả cùng phát triển, cải thiện tình hình kinh tế của mỗi nước”.
Đối với Volkswagen, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hãng. Hãng xe Đức đã bán được 2,2 triệu xe ở đó vào năm 2022. Volkswagen cũng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, tại thị trường ''quê nhà" Đức, các công ty Trung Quốc cũng bắt đầu lấn sân với nhiều thương hiệu như Smart, Polestar, GWM, Nio hay Lotus. Đa phần các công ty Trung Quốc đều đem các mẫu xe điện - là sản phẩm thế mạnh của mình đi "đánh xứ người".