Năm 2023, phát triển ô tô điện sẽ trở thành xu hướng chính
Xe ôtô điện đang ngày càng chứng tỏ ưu thế trong ngành công nghiệp ôtô khi có được bước tăng trưởng nhảy vọt trong vài năm gần đây.
Nhu cầu mua xe điện ngày càng tăng cao
Sau năm 2022 ghi dấu ấn “bản lề” khi đã giải quyết đáng kể nghi ngờ về khả năng tồn tại của ô tô điện trong bức tranh kinh tế xã hội chung toàn cầu, năm 2023 được đánh giá sẽ là giai đoạn tiếp tục chứng kiến những bước tiến của ô tô điện trên chặng đường trở thành một trong những loại hình di chuyển hằng ngày đối với nhiều người dùng trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 26/4 cho thấy doanh số bán xe điện (EV) đang tăng mạnh và dự kiến sẽ chiếm gần 20% số xe bán ra trong năm 2023.
IEA cho biết việc điện khí hóa nhanh chóng các phương tiện giao thông đường bộ sẽ có ý nghĩa lớn đối với ngành năng lượng vì nó giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày vào cuối thập niên này.
Mức tiêu thụ dầu trên thế giới trung bình chỉ hơn 100 triệu thùng mỗi ngày. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết EV là một trong những động lực thúc đẩy trong nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới đang nổi lên nhanh chóng và EV mang đến sự chuyển đổi lịch sử cho ngành sản xuất ôtô trên toàn thế giới.
Trong báo cáo thường niên về EV, IEA dự kiến doanh số bán hàng hàng năm sẽ tăng 35% trong năm nay, đạt 14 triệu xe và thị phần EV sẽ ở mức 18%, tăng từ mức 4% trong năm 2020.
IEA cho biết phần lớn doanh số bán EV tập trung ở ba thị trường Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
IEA cho biết Trung Quốc đang ở vị trí dẫn đầu, chiếm 60% doanh số bán EV toàn cầu vào năm 2022. IEA cho biết các biện pháp như Đạo luật giảm lạm phát ở Mỹ, cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng cho người tiêu dùng để chuyển sang EV, sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng trong những năm tới.
IEA dự báo tỷ lệ trung bình của EV trong tổng doanh số bán hàng trên khắp Trung Quốc, EU và Mỹ sẽ tăng lên khoảng 60% vào năm 2030.
Thị trường Việt Nam cũng dần bắt nhịp
Để phát triển phương tiện giao thông đường bộ hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng rộng rãi năng lượng điện đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Bởi, xe điện không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái. Với lợi thế đó, thị trường xe điện thế giới đã có những bước nhảy vọt.
Năm 2021, số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Đăng kiểm cho thấy xu hướng phát triển của xe điện so với xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống. Tuy tỷ trọng của xe môtô và xe máy điện sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 7% hàng năm, nhưng duy trì ở mức tăng trưởng đều.
Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu ôtô điện của các hãng vào Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn. Theo báo báo, năm 2020 ghi nhận số lượng ôtô điện nhập khẩu tăng khoảng 500% so với năm 2019.
Trong những năm gần đây, các công ty sản xuất trong nước đã tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng ôtô điện. Dự kiến năm 2022 một loạt sản phẩm xe điện sẽ được đưa ra thị trường như các dòng xe buýt, xe ôtô con.
Theo báo cáo Bộ Công Thương, triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt, hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ôtô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như hybrid, xe máy điện, ôtô điện, tiến tới là xe tự lái.
Còn theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe ô tô điện ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 chỉ có 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến năm 2021 có thêm hơn 1.000 xe. Đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã chỉ có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, gần 1,8 triệu mô tô - xe máy.
Mặc dù xu thế và triển vọng phát triển của thị trường xe điện tại Việt Nam được nhận định là rất khả quan song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sự vào cuộc sớm của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
Điển hình như, việc phát triển đồng bộ về hạ tầng (trạm nạp, gara bảo hành, bảo dưỡng); các quy chuẩn, tiêu chuẩn trên xe; việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ linh, phụ kiện nhập khẩu hay việc xử lý các linh, phụ kiện hết hạn xử dụng, đặc biệt là pin để đảm bảo yếu tố môi trường...