Xóa đói giảm nghèo: Câu chuyện “con cá” hay "cần câu”

Hoàng Minh

Giảm nghèo là một bài toán phức tạp. Việc hỗ trợ trực tiếp có thể giúp người nghèo vượt qua những khó khăn ngay tức thì, nhưng khó giúp họ thoát nghèo lâu dài.

Hiện cả nước có khoảng 315 nghìn hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở.
Hiện cả nước có khoảng 315 nghìn hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở.

Cả nước có hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn quốc năm 2024 là 4,06%, giảm 1,65% so với năm 2023. Cả nước còn hơn 1,2 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo; trong đó, có khoảng 315.000 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở. Vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những thách thức từ nội tại, ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai, bão lũ… khiến cuộc sống của nhiều người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vốn đã nghèo khó càng bị tác động nhiều hơn. 

Trong khi đó, công tác giảm nghèo ở nước ta còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa, công tác giảm nghèo ở nước ta chưa bền vững, phân hóa giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền có xu hướng mở rộng. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khả năng cân đối giữa nguồn lực và sử dụng của hệ thống an sinh xã hội, kể cả các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo trợ xã hội còn hạn chế và gặp thách thức lớn cả trước mắt, cũng như trong trung và dài hạn. Chất lượng cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là dịch vụ y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng mức sống của dân cư….

“Một bất cập đáng chú ý là, do chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thiết kế theo hướng nhân văn, ai nghèo cũng được hỗ trợ và có quá nhiều chính sách ưu đãi với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ đó. Nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, một số ít còn lười lao động...”, ông Hòa chỉ rõ.

Tạo kế sinh nhai, trao việc làm để giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết bằng một công thức đơn giản. Xuất phát từ những bất cập, kém hiệu quả trong việc hỗ trợ và nhận hỗ trợ thoát nghèo, từ lâu, nhiều người đã đặt câu hỏi: “Trao con cá hay cần câu” cho người nghèo?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Đinh Thị Ngọc Dung khi thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại nghị trường Quốc hội mới đây đã chỉ ra rằng, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân khác nhau: Nghèo do không có vốn, không có đất canh tác; do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động; do thiếu kiến thức, kỹ năng lao động; do không chăm chỉ. Vì vậy, để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển.

Đồng quan điểm trên, ông Hòa dẫn thực tế cho rằng, không phải ai có cần câu cũng đều… câu được cá. Không ít trường hợp được trao “cần câu” vốn đầu tư vào chương trình, dự án, xây dựng mô hình... nhưng do cách làm chưa đến nơi, đến chốn nên thất bại, “không câu được cá”, gây lãng phí, không thu hồi được vốn.

Do đó, ngoài việc phải đầu tư vốn, xây dựng các mô hình xóa đói, giảm nghèo, muốn giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu cần có các giải pháp nâng cao dân trí, trình độ văn hóa.

“Trao cần câu không chỉ thuần túy là đầu tư vốn, mà về lâu dài, đó là giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phải có cách làm thiết thực, hiệu quả, giúp hộ nghèo ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu, để giảm nghèo là thực chất chứ không phải là chỉ tiêu”, ông Hòa chia sẻ.

Trong thực tế, không thể chỉ áp dụng một trong hai phương pháp một cách đơn giản. Giảm nghèo không phải là vấn đề có thể giải quyết ngay lập tức hoặc một cách đơn giản. Các chiến lược giảm nghèo cần phải có sự kết hợp giữa cả hai phương pháp “con cá” và “cần câu”. Ban đầu, các chương trình hỗ trợ trực tiếp như cung cấp “con cá” có thể giúp người nghèo vượt qua những khó khăn trước mắt. Sau đó, những chương trình hỗ trợ dài hạn như cung cấp “cần câu” sẽ giúp họ phát triển năng lực tự lập và có thể duy trì cuộc sống ổn định và phát triển lâu dài.