Xoay chiều
(Tài chính) Mới chỉ cách đây vài năm, Trung Quốc hầu như là nước nhận đầu tư từ châu Âu. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ tại lục địa già thời gian qua đã làm tình thế xoay chiều - các nhà đầu tư của đất nước gấu trúc đang dần thâu tóm các công ty có uy tín của châu Âu.
Năm ngoái, hoạt động M&A của các nhà đầu tư Trung Quốc tại châu Âu tăng cao kỷ lục. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng phát triển mạnh, vượt cả lượng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc nhưng EU vẫn tỏ ra hấp dẫn hơn đối với đất nước Vạn Lý Trường Thành.
Trung Quốc chỉ nắm giữ khoảng 1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Âu. Tuy nhiên, tỷ lệ trên không bao gồm sự bùng nổ cục bộ trong lĩnh vực đầu tư cá nhân như những khu bất động sản tại Bồ Đào Nha và Latvia, những nước đang áp dụng những chương trình đãi ngộ thị thực vàng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nói chung, tài sản tại châu Âu đang tương đối rẻ, lại nằm trong thị trường mở và sở hữu nhiều ưu điểm mà các công ty Trung Quốc khao khát: đó là công nghệ và thương hiệu.
Trường hợp hãng sản xuất lốp xe Pirelli là một ví dụ. Nhà thầu China National Tire & Rubber Company (thuộc Tập đoàn quốc doanh ChemChina) của Trung Quốc là một công ty sản xuất lốp xe với lượng tiêu thụ 20 triệu lốp xe/năm. Mặc dù vậy, không có nhiều người biết đến sản phẩm của công ty này. Nguyên nhân là họ không có lịch sử đua xe nổi tiếng hay bộ sưu tập lịch được biết đến rộng rãi như của Pirelli. Công ty này đang được định giá cao quá mức với P/E (Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) là 23 lần, trong khi những công ty đối thủ khác như Michelin hay Kumho chỉ có mức P/E tương ứng là 16 và 11 lần. Tuy nhiên, Pirelli lại là thương hiệu lốp xe uy tín thứ 5 trên thế giới. Hai thương hiệu khác của châu Âu đứng trong Top 5 là Michelin và Continental lại quá lớn để thâu tóm.
Đối với một người mua tham vọng có hầu bao lớn và năng lực sản xuất, Pirelli là một thương vụ hoàn hảo. Vốn hóa thị trường của công ty này chỉ vào khoảng 7,5 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với doanh thu của ChemChina năm 2014 là 40 tỷ USD. Nhưng danh tiếng của Pirelli có thể khiến công ty sản xuất lốp Trung Quốc được biết đến trên toàn cầu. Điều đó cũng giống như khi công ty Geely của Trung Quốc mua lại Volvo, không phải chỉ vì công nghệ kỹ thuật mà còn vì sự công nhận của quốc tế đối với thương hiệu này.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát châu Âu cho rằng, nếu xu hướng trên tiếp tục, sẽ có nhiều vấn đề cần đặt ra. Trung Quốc hầu như đầu tư vào những công ty đang hoạt động tại châu Âu. Không có một dự án nào là mới được xây dựng hay bắt đầu hoạt động. Đúng là việc đầu tư vào các công ty tư nhân như Pizza Express của Hony Capital, Potsdamer Platz của Fosun International và Ping An Insurance, Volvo của Geely là không có gì sai trái. Ngày nay, việc kinh doanh xuyên biên giới là rất thông dụng. Tuy nhiên, khi những thương hiệu lớn nổi tiếng của châu Âu thuộc sở hữu của những tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, nó sẽ trở thành vấn đề địa - chính trị. Bằng việc bán các di sản của mình, châu Âu đang giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Thậm chí, có nhà phân tích phương Tây còn ví, vốn đầu tư Trung Quốc như tiền rơi từ trên trời xuống và có thể biến thành chú ngựa Trojan, giúp phổ biến giá trị và quan điểm chính trị của Trung Quốc tại trái tim châu Âu.
Nhiều người dân châu Âu cho rằng, lục địa già cần một chính sách chặt chẽ hơn để đối phó với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặt quy định cho những gì được phép, những gì không được phép. Việc quy định các tập đoàn quốc doanh nước ngoài chỉ được đầu tư vào những dự án mới hay những doanh nghiệp mới là một lựa chọn khả thi. Bên cạnh đó, các chính phủ EU cũng có thể yêu cầu các tập đoàn quốc doanh này hợp tác với các công ty nội địa và không được chiếm cổ phần chi phối, trong khi cho phép các doanh nghiệp tư nhân được tự do hơn nữa...