Xu hướng lĩnh kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến
(Tài chính) Giáp tết luôn là thời điểm lượng kiều hối đổ về nhiều hốn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nắm bắt được xu thế này, các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón mùa kiều hối từ khi bắt đầu bước vào quý IV/2013. Ngân hàng hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với vai trò là ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối và phục vụ cho hoạt động xuất khẩu cũng đã vào cuộc một cách tích cực. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ông Phạm Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc Vietcombank
Thưa ông, cuối năm thường là thời điểm lượng kiều hối chuyển về nhiều, vậy ngân hàng đã có những biện pháp, chính sách cụ thể gì nhằm thu hút lượng kiều hối, tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào gửi kiều hối về nước?
Với mong muốn mang niềm vui và may mắn tới các khách hàng nhận kiều hối nhân dịp năm mới 2014, nhằm thu hút kiều hối của kiều bào gửi về Việt Nam cho thân nhân, Vietcombank hiện đang triển khai chương trình khuyến mại quay số trúng thưởng “Kiều hối may mắn” trong khoảng thời gian từ tháng 11/2013 tới tháng 01/2014 dành cho khách hàng cá nhân nhận tiền kiều hối tại Vietcombank. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đề nghị một số đối tác của Vietcombank tích cực triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho người gửi tiền để tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào gửi tiền về nước, cụ thể:
Công ty TNMonex - Công ty chuyển tiền tại Mỹ: triển khai chương trình thu phí 5$ cho các giao dịch trị giá 500$ -1000$ trong thời gian từ 20/9-20/12; chương trình chuyển tiền không mất phí cho giao dịch đầu tiên của khách hàng mới; miễn phí giao dịch dưới 300$ cho khách hàng truyền thống nếu giao dịch vào ngày sinh nhật; chương trình bốc thăm may mắn trị giá 100$/tuần liên tục trong 03 tháng 11, 12 và tháng 1.
Ngân hàng Wells Fargo tại Mỹ: Trong thời gian từ 13/1 - 14/2/2014, Ngân hàng Wells Fargo có quà tặng cho khách hàng mới và không tính phí chuyển tiền cho các khách hàng khi chuyển tiền về Việt Nam.
Về mặt tác nghiệp, với thế mạnh trong thanh toán và chuyển tiền quốc tế, với hệ thống mạng lưới 400 Chi nhánh và Phòng giao dịch trên 48 tỉnh thành, Vietcombank, luôn sẵn sàng có đủ nguồn nhân lực, nguồn ngoại tệ đáp ứng mọi nhu cầu chi trả cho khách hàng vào những lúc cao điểm về chi trả kiều hối.
Với những đồng ngoại tệ (Won, Yên…), ngân hàng có những cách quy đổi như thế nào? Có những ưu đãi quy đổi như thế nào nhằm thu hút khách hàng?
Với đồng ngoại tệ Won chuyển về, khách hàng có thể nhận bằng VND theo tỷ giá chuyển khoản công bố của Vietcombank. Một số đồng ngoại tệ mạnh và phổ biến trên thế giới như Yen, USD, EUR, CAD… khách hàng có thể nhận bằng nguyên tệ.
Với vị thế là ngân hàng hàng đầu Việt nam trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, quan hệ ngân hàng đại lý với 1.700 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, hợp tác trực tiếp trong dịch vụ chuyển tiền nhanh với Công ty Money Gram, Công ty TNMonex, Ngân hàng Wells Fargo, Công ty UniTeller … nên chúng tôi hoàn toàn có ưu thế trong cung ứng dịch vụ chi trả kiều hối cho khách hàng.
Theo ông, bà con Việt kiều, người lao động xuất khẩu nên gửi loại tiền gì là thích hợp và có lợi nhất vào thời điểm này (tiền bản địa hay quy đổi ra USD…)?
Thời điểm cuối năm thường là mùa nhận kiều hối, người lao động xuất khẩu có thể gửi các loại ngoại tệ khác nhau, tuy nhiên nên cân nhắc một số yếu tố sau:
Người gửi tiền nên gửi các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi để dễ dàng thực hiện chuyển đổi sang VND ở Việt Nam. Trên thực tế, người lao động xuất khẩu Việt Nam thường lựa chọn gửi tiền USD. Ngoài lý do USD là ngoại tệ tự do chuyển đổi và phổ biến nhất thế giới, ưu điểm quan trọng khác của việc chuyển đồng USD là sự ổn định tỷ giá USD/VND ở Việt Nam trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới sự ổn định này vẫn tiếp tục được duy trì.
Tại Vietcombank, dịch vụ nhận kiều hối của chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách hàng với gần 20 loại ngoại tệ mạnh và phổ biển trên thế giới như USD, AUD, EUR, GBP, JPY, CAD, CHF, SGD... hoặc quy đổi ra VNĐ. Thời gian qua, xu hướng lĩnh kiều hối bằng VNĐ ngày càng phổ biến. Với sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, nên việc chuyển đổi sang VNĐ với mức sinh lời (lãi suất) cao hơn là một lựa chọn tốt.
Lượng kiều hối năm nay, so với năm ngoái được gửi về Việt Nam vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn cao hơn. Nguyên nhân nào khiến cho lượng kiều hối duy trì ổn định như vậy? Chênh lệch lãi suất có phải là nguyên nhân khiến cho kiều hối chảy về Việt Nam hay không?
heo thống kê, lượng kiều hối về Việt Nam tăng thường xuyên ở mức cao qua các năm và năm nay cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Các nguyên nhân khiến cho lượng kiều hối đạt được mức tăng trưởng ổn định được nhiều chuyên gia nhận định bao gồm:
Thứ nhất, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông đảo bao gồm cả Việt Kiều và người lao động xuất khẩu, phần nhiều trong số đó đang sinh sống và làm việc tại các nước phát triển.
Thứ hai, chính sách khuyến khích Kiều bào về nước đầu tư của nhà nước.
Thứ ba, chính sách với việc nhận kiều hối của nhà nước khá thông thoáng: cho phép người nhận kiều hối trực tiếp bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra nội tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại, không bắt buộc phải bán ngay cho ngân hàng,...
Thứ tư, dịch vụ chuyển tiền kiều hối khá phát triển, với nhiều ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ chi trả với phí cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt và mạng lưới chi trả rộng khắp.
Thứ năm, việc chênh lệch lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam so với nước ngoài cũng như việc chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ vả VND ở Việt Nam cũng là nhân tố thu hút nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam.
Lượng kiều hối về Việt Nam qua Vietcombank thì tỷ trọng chuyển đổi sang VND là như thế nào?
Với sự ổn định của tỷ giá, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, xu hướng lĩnh kiều hối bằng VNĐ ngày càng phổ biến. Đáng ghi nhận trong năm 2013 lượng kiều hối chuyển đổi sang VND tại Vietcombank có sự tăng trưởng rõ rệt với mức chuyển đổi khoảng 25% so với tỷ lệ chuyển đổi là 20% của năm 2012 và tỷ lệ từ 10 - 15 % của các năm từ 2011 trở về trước.
Xin cảm ơn ông!