Xu hướng mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Những tháng gần đây thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang có xu hướng hạ nhiệt, lượng cung giảm đặc biệt là phân khúc condotel, trong khi các chủ đầu tư thường lặp lại các mô hình đã hiện hữu, thay vì nắm bắt các xu hướng và mô hình mới.
Trong những năm gần đây, condotel nổi lên là một xu hướng đầu tư mới của giới địa ốc. Theo ước tính hàng năm có hàng chục nghìn sản phẩm condotel được bán khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam.
Sau 2 năm bùng nổ thì từ đầu năm 2018 đến nay thị trường condotel bắt đầu giảm nhiệt, sức hấp thụ giảm dần. Theo số liệu từ công ty DKRA thì quý 1 năm 2018 khả năng tiêu thị condotel chỉ đạt 19% chỉ bằng 36% so với quý trước đó, và giảm tới 64% so với 3 tháng cuối của năm 2017.
Còn theo ghi nhận của Hội môi giới BĐS Việt Nam, thì một số dự án mới đang mở bán chỉ dừng lại ở các giao dịch F1, tức là thị trường mua đi bán lại không còn sôi động. Bắt đầu từ Quý 4/2017 người mua F1 khó chuyển nhượng lại vì thanh khoản kém. Một vài khu vực giá bán condotel bắt đầu giảm.
Tuy vậy, theo ghi nhận của chuyên gia Savills thì condotel vẫn đang là xu hướng tại thị trường Việt Nam. Theo ước tính của Savills Hotels thị trường sẽ chào đón hơn 18.000 căn trong 2 năm tiếp theo (bao gồm tại các thị trường du lịch chính) và hầu hết dự án condotel hiện được quản lý bởi chính chủ đầu tư.
Dù thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng bùng nổ trong thời gian qua nhưng thực trạng chung là thị trường đang thiếu sự đa dạng về loại hình sản phẩm.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel Châu Á TBD, cho rằng các chủ đầu tư hiện nay quá chú trọng vào các cơ hội thị trường trong ngắn hạn và chủ yếu phát triển các sản phẩm phục vụ tăng trưởng nhu cầu phòng. Thị trường đang thiếu sự đa dạng các loại hình sản phẩm do việc lặp lại các mô hình đã hiện hữu, thay vì nắm bắt các xu hướng và mô hình mới.
Ngành du lịch nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất nhanh với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với như cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.
Vì thế, theo Mauro thị trường du lịch Việt Nam rất rất tiềm năng cho những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu.
Do vậy, theo nhận định của các chuyên gia Savills, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có sự phát triển theo xu hướng mới trong thời gian tới. Chẳng hạn, các chủ đầu tư đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc kết hợp thương hiệu quản lý. Mô hình branded residence chưa phổ biến tại thị trường Việt Nam tuy nhiên được đánh giá là mô hình đầu tư tốt đã có mặt tại các thị trường trong khu vực.
Hay, công nghệ hiện đang chuyển hóa cách thức cũng như các hoạt động du lịch. Những xu hướng khác có thể kể đến như big data (nguồn dữ liệu lớn), trí thông minh nhân tạo, hệ thống tự động và cảm biến tòa nhà. Chủ đầu tư cần cân nhắc các yếu tố này khi phát triển dự án của họ ngay từ giai đoạn hoạch định ban đầu.
"Ngoài ra còn có các xu hướng thay đổi về nhân khẩu học như tăng trưởng dân số cao tuổi, hay tầng lớp trung lưu tại khu vực Châu Á sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới. Chủ đầu tư cần chú trọng hơn nữa vào trải nghiệm của khách hàng và tạo ra "dấu ấn riêng" cho dự án khách sạn của mình" ông Mauro nói.
Còn theo ông Karan Kaul, đại diện Onyx Hospitality, ở phân khúc từ cao cấp trở lên, một dự án phức hợp bao gồm độc lập hai thành phần khách sạn và branded residence sẽ phù hợp hơn so với mô hình condotel.
Một số chuyên gia chia sẻ về đối tượng du lịch mới - thế hệ Millennial - hiện chiếm 24% tổng dân số toàn cầu. Ở Việt Nam, quốc gia với dân số trẻ, đối tượng này chiếm tỷ trọng đến 38% tổng dân số (2016). Do đó du khách Millennial mang lại tiềm năng lớn về doanh thu du lịch và nghỉ dưỡng.
Ông Chavatik Wanakasemsan (Winn), từ Lub d, chia sẻ rằng "Đối tượng khách du lịch trải nghiệm thường không chuộng các khách sạn truyền thống mà tìm kiếm sự trải nghiệm văn hóa cùng với bạn bè hoặc cộng đồng địa phương. Hầu hết họ đều yêu cầu đường truyền wifi tốc độ cao để truyền tải video, xem Youtube hoặc Netflix. Các nền tảng và loại hình chia sẻ lưu trú như Airbnb, Couch Surfing, Hostel và Poshtel phục vụ nhu cầu các đối tượng này. Phòng ngủ chỉ là một phần trải nghiệm trong suốt chuyến du lịch của họ. Những du khách này yêu thích ghi lại những hình ảnh và khoảnh khắc, tìm hiểu ẩm thực văn hóa địa phương và chia sẻ qua các kênh mạng xã hội. Xu hướng du khách liên tục di chuyển đến các địa điểm khác nhau và họ có nhu cầu kết hợp vừa du lịch vừa làm việc. Co-working space (không gian chia sẻ) giúp cho những du khách này có thể dễ dàng làm việc tại chính khách sạn của họ".
Trong khi đó, một phân khúc quan trọng của du lịch nghỉ dưỡng là dịch vụ giải trí. Việt Nam vẫn thiếu các loại hình dịch vụ ăn uống và giải trí chất lượng, so với các điểm đến du lịch trong khu vực như Phuket, Bali, Bangkok và Singapore. Theo ông Mauro, tiện ích dịch vụ ăn uống và giải trí có thể mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho các khách sạn và resort.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng Việt Nam thị trường Việt Nam đang thiếu các loại hình tiện ích giải trí mới, "Với dân số trẻ của Việt Nam và sự tang trưởng thu nhập của tầng lớp trung lưu, nhu cầu trải nghiệm ẩm thực, giải trí, phim ảnh, nghệ thuật, âm nhạc và thời trang tại các điểm đến ven biển như Long Hải, Hồ Tràm, ĐàNẵng, Hội An, Nha Trang, Cam Ranh và Phú Quốc hay các đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ gia tăng trong thập kỷ tới và đây cũng là các thị trường tiềm năng cho các mô hình giải trí này.