Xu hướng tín dụng năm 2014
(Tài chính) Nợ xấu chậm cải thiện cùng với dư nợ tín dụng ngân hàng tăng chậm, ngược với mức tăng nhanh nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước của Việt Nam, có thể là dấu hiệu khá đậm về bức tranh tài chính - tín dụng năm 2014.
Tín dụng tăng chậm được giải thích chủ yếu do các doanh nghiệp chưa có nhiều cơ hội, động lực đầu tư; cũng như còn hạn chế cả điều kiện vay vốn và khả năng trả nợ do chậm tái cấu trúc và chưa thuận lợi về thị trường tiêu thụ.
Gánh nặng nợ xấu (theo NHNN chiếm tới 9,7% tổng dư nợ tín dụng hiện nay, dù từ đầu năm đến nay, VAMC mua thêm 6.300 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu đã mua lên 45.650 tỷ đồng) chậm được cải thiện, áp lực cơ cấu lại nợ theo tiêu chuẩn chặt chẽ cao hơn theo Thông tư 09 cũng khiến các ngân hàng thận trọng cho vay.
Lãi suất cho vay đã được cải thiện. Theo NHNN, tính đến ngày 15/5, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5% tổng dự nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 15% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trong 31% vào tháng 6/2013. Có doanh nghiệp đã được vay lãi suất 5 - 6%/năm, thậm chí có trường hợp chỉ 4,8%/năm và nhiều gói hỗ trợ tín dụng, các hình thức liên kết đầu tư và cho vay đã và đang được đề xuất, thử nghiệm…
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung và tăng khá nhanh trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn ước đạt 685.426 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2013. Nợ xấu cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đến nay chiếm tỷ trọng 2,83% so với tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung của dư nợ toàn nền kinh tế). Dư nợ tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 873.268 tỷ đồng, tăng 0,34% so với cuối năm 2013. Dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 176.052 tỷ đồng, tăng tới 5,9% so với cuối năm 2013, tức cao hơn 4 lần mức tăng dư nợ tín dụng cho vay chung toàn nền kinh tế. Tín dụng giải ngân các gói hỗ trợ thị trường bất động sản khá chậm, cả cho đối tượng nhà thu nhập thấp, cũng như cho nhà thương mại. Tính đến ngày 30/4, mới có 4.488 khách hàng ký hợp đồng tín dụng vay hỗ trợ nhà ở lãi suất thấp, với tổng số tiền đạt 3.470 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 11,6% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở. Trong đó, có 4.469 khách hàng cá nhân đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng, tổng số tiền đạt 1.680 tỷ đồng.
Mặc dù tín dụng trong những tháng đầu năm tăng chậm và nợ xấu những tháng tới có thể sẽ tăng nhanh hơn do chính thức áp dụng từ tháng 6/2014 Thông tư 09 về phân loại, xử lý nợ xấu của NHNN, nhưng kỳ vọng đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 vẫn không bị dập tắt gắn với xu hướng tín dụng gia tăng nhanh hơn cùng với các cơ hội kinh doanh, hợp đồng xuất nhập khẩu và hoạt động mua sắm vào dịp ngày lễ, Tết cuối năm và sự khởi sắc hơn của thị trường, cũng như sự năng động của doanh nghiệp và các ngân hàng theo sự chỉ đạo và hỗ trợ và phối hợp đồng bộ hơn từ các cơ quan nhà nước các cấp…
Đặc biệt, trong số các giải pháp mở rộng và năng cao hiệu quả tín dụng thời gian tới, cần coi trọng hình thức cho vay phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - ngân hàng và nông dân… Đây là sự mở đầu cho việc lựa chọn và ký kết các hợp đồng tín dụng khác giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần mở ra một hướng đi mới, cách làm mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới…