Cơ hội để logistics hàng không phát triển

Theo Lan Vũ/diendandoanhnghiep.vn

Vận chuyển hàng hóa trong khoang máy bay chở khách dự báo sẽ dần hồi phục sau thời gian đóng băng từ đầu năm 2020 đến nay.

Logistics hàng không "chớp" cơ hội trong đại dịch (Ảnh: VNA)
Logistics hàng không "chớp" cơ hội trong đại dịch (Ảnh: VNA)

Tiềm năng lớn

Tính chung 9 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đạt 179,9 nghìn tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hàng hóa đạt 3,34 tỷ tấn.km, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021 cũng là năm có sự dịch chuyển đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng phương tiện cho vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không do sụt giảm sản lượng vận chuyển hành khách dưới tác động của dịch COVID-19. Chính vì vậy, nhiều tên tuổi lớn như hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Vietjet Air, và Bamboo Airline đều đã có kế hoạch phát triển chuyên biệt mảng vận chuyển hàng hóa.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam đều đang thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19. Tính đến tháng 7/2021, các hãng hàng không Việt Nam đã hoán đổi 9 máy bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines có 5 chiếc (2 Airbus A321 và 3 Airbus A350), Vietjet có 4 chiếc (Airbus 321).

Hiện chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi/đến Việt Nam. Trong điều kiện các đường bay quốc tế chở khách chưa thể khai thác trở lại, các hãng hàng không Việt Nam đã dùng phần lớn nguồn lực đội tàu bay vào khai thác các đường bay nội địa với năng lực tăng vọt cả về tần suất và số lượng đường bay. Theo đó, số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đạt 62 đường bay.

Dù vậy, có tới 88% thị phần vận tải hàng không nằm trong tay các hãng quốc tế như KE, QR, CI, CX, UPS, DHL, FedEx. “Cuộc đua” vận tải hàng không thời gian gần đây chứng kiến sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp chuyên về vận tải hành khách hàng không thông qua việc cho thuê nguyên chuyến cho các công ty logistics. Không chỉ tận dụng việc cho thuê chuyến, các hãng hàng không cũng thể hiện tham vọng lấn sân lĩnh vực vận tải hàng không.

Đơn cử như, Vietjet Air và UPS (Hoa Kỳ) đã ký một thỏa thuận gia tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế. Theo đó, Vietjet Air có quyền tiếp cận các chuyến bay trên mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế của UPS từ châu Á, trong khi hãng chuyển phát nhanh của Hoa Kỳ sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Vietjet Air tại Việt Nam, Thái Lan và khu vực châu Á. 

Hãng hàng không Bamboo cũng cho biết có kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo. Hãng này trước đó cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). 

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Việt Nam cũng có điều kiện để trở thành trung tâm vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của khu vực và thế giới, nhưng chưa được đầu tư phát triển thích đáng, một trong những nguyên nhân là chưa có định hướng phát triển và thiếu nguồn vốn đầu tư. Dù vận chuyển hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển của Việt Nam nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Đây là một đặc điểm cần được chú ý khi sớm hoạch định phát triển.

Giải pháp về cơ sở hạ tầng

Ông Khoa cho biết, một điểm sáng của hoạt động dịch vụ logistics bằng đường hàng không là thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7709/VPCP-CN, ngày 15/9/2020 về yêu cầu “phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”, một số doanh nghiệp thuộc VLA đã góp vốn thành lập Công ty CP Asean Cargo Gateway (ACG), có chuyến bay đầu tiên ngày 6/3/2021, cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường không cố định hàng tuần cho các tuyến TP. Hồ Chí Minh - Jakarta, TP. Hồ Chí Minh - BangKok, TP. Hồ Chí Minh - Incheon và Hà Nội - Incheon với giá cước ưu đãi hơn giá thị thị trường 10%-20%.

Cùng với sự hồi phục của khu vực châu Âu và Hoa Kỳ khi các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đã bắt đầu có hiệu quả và các nước mở cửa lại nền kinh tế cũng như khuyến khích du lịch, thương mại đối với những người đã tiêm chủng đủ các liều vắc-xin, ngành hàng không dự báo sẽ phục hồi từ cuối năm 2021 hoặc năm 2022.

Vận chuyển hàng hóa trong bụng các máy bay chở khách dự báo sẽ dần hồi phục sau thời gian đóng băng từ đầu năm 2020 đến nay. Ngoài ra, phân khúc vận chuyển hàng không cho hàng thương mại điện tử xuyên biên giới và hàng dược phẩm, đặc biệt là vắc-xin được dự báo sẽ có nhiều triển vọng nhất trong số các phân khúc vận tải hàng không – ông Khoa nhận định.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Vân Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Đào tạo quốc tế, Trường đại học Giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hàng hóa hiện nay chỉ có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là có nhà ga hàng hóa chuyên biệt, tại các Cảng còn lại đã được triển khai đầu tư hoàn thiện khu xử lý hàng hóa riêng tách biệt dây chuyền vận tải hành khách nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đóng, dỡ hàng. Đây có thể xem là một giải pháp ngắn hạn để giải quyết nhu cầu về hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, mang lại hiệu quả khai thác trong điều kiện quy mô sản lượng chưa cao. Vì vậy trong dài hạn, việc đầu tư hoàn thiện, phát triển trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại các cảng có nhu cầu hàng hóa lớn cũng như có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Cát Bi, Liên Khương, Phú Quốc là hết sức cần thiết.

Để làm được điều đó, cần thực hiện đầu tư đồng bộ để đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện đến các cảng hàng không, đặc biệt là với các trung tâm logistics; sớm hoàn thành quy hoạch Nhà ga hàng hóa; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động và sử dụng vốn có hiệu quả cho đầu tư phát triển logistic hàng không tại một số cảng hàng không có sản lượng chưa cao; dành quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo chiến lược, quy hoạch, đặc biệt quỹ đất cho đầu tư phát triển hệ thống nhà ga hàng hóa, các kho hàng không kéo dài.