Xử lý đối tượng buôn lậu qua đường hàng không: Hiệu quả thấp, thiếu chế tài

Theo Hà Nội mới

Hàng loạt vụ vận chuyển trái phép các mặt hàng quốc cấm như sừng tê giác, ngà voi, vũ khí… đã được Cục Hải quan Hà Nội (HQHN) liên tiếp phát hiện trong thời gian gần đây. Các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng song vẫn bị phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, lực lượng hải quan đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm do thiếu chế tài.

 Xử lý đối tượng buôn lậu qua đường hàng không: Hiệu quả thấp, thiếu chế tài
Hàng loạt vụ vận chuyển trái phép các mặt hàng quốc cấm như sừng tê giác, ngà voi, vũ khí… đã được Cục Hải quan Hà Nội liên tiếp phát hiện gần đây. Nguồn: Internet
Thủ đoạn tinh vi

Với giá trị lớn, dễ cất giấu, sản phẩm từ động vật hoang dã đang là một trong những mặt hàng được các đối tượng vi phạm sử dụng đường hàng không để vận chuyển trong thời gian gần đây. Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục HQHN) từ đầu năm tới nay đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển sừng tê giác với số lượng lớn.

Đầu tháng 6/2013, HQHN đã chuyển hồ sơ vụ hành khách Nguyễn Thị Nhàn vận chuyển sừng tê giác (3 miếng sừng tê giác cất giấu trong áo khoác) sang cơ quan điều tra. Trước đó, ngày 4-5, khi lực lượng hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài làm thủ tục nhập cảnh cho 3 hành khách trên chuyến bay mang ký hiệu QR614 xuất phát từ Doha (Qatar), hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, đã phát hiện 19 miếng sừng tê giác với trọng lượng hơn 2kg. Toàn bộ số hàng được quấn kín trong nhiều lớp giấy bạc và cất trong các hộp bánh kẹo phía trong valy hai đáy. Trước vụ việc này, lực lượng chống buôn lậu HQHN cũng phát hiện vụ vận chuyển 238 chiếc vòng trang sức cùng 100 đôi đũa có chiều dài 28cm làm bằng ngà voi trong hành lý của một hành khách…

Đại diện Cục HQHN cho biết, tình trạng sử dụng đường hàng không để buôn lậu hàng cấm, nhất là các mặt hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, thuốc lá và điện thoại di động đã qua sử dụng đang ngày càng gia tăng. Thủ đoạn của những kẻ buôn lậu cũng tinh vi hơn trước. Đối với hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, đối tượng buôn lậu thường để trong hành lý ký gửi và xếp lẫn vào những mặt hàng khác trong hành lý khiến lực lượng hải quan khó phát hiện. Với điện thoại di động đã qua sử dụng, đối tượng vi phạm thường tháo rời thành linh kiện để qua mắt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, có đối tượng buôn lậu điện thoại di động khi đến khu vực cách ly để kiểm tra hộ chiếu đã vào khu vệ sinh giấu hàng, chờ thời cơ thuận lợi mới vận chuyển ra ngoài hoặc tháo rời các bộ phận của hàng lậu để qua mặt lực lượng chức năng.

Với thuốc lá, để vận chuyển mặt hàng cồng kềnh và khó "qua mặt" máy soi, các đầu nậu thường lợi dụng những người lao động không biết quy định về tiêu chuẩn khi mang thuốc lá về Việt Nam xách hộ (có đến 90% là nhờ xách hộ). Những trường hợp này, HQHN chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển, còn chủ mưu của vụ việc lại thoát.

Quá nhiều bất cập


Ngoài việc phải đối phó với những thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu, điều kiện làm việc cộng với sự quá tải tại Sân bay quốc tế Nội Bài đang là áp lực của những cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ tại đây.

Được biết, trung bình một ngày có hơn 120 chuyến bay quá cảnh sân bay Nội Bài, nhưng Tổ chống buôn lậu Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài lại chỉ có 5 cán bộ chuyên trách. Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục HQHN), cho biết, khâu xử lý tang vật vi phạm và hành vi vi phạm của đối tượng vận chuyển hàng lậu đang gặp trở ngại lớn do những bất cập trong các quy định hiện hành.

Đơn cử, vụ vận chuyển 26 khúc ngà voi, trọng lượng hơn 120kg được HQHN phát hiện hồi cuối năm 2012, cơ quan Hải quan đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan giải quyết nhưng vẫn chưa xử lý được. Bởi theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, cơ quan Hải quan phải trưng cầu định giá số ngà voi đó (theo từng đối tượng vi phạm) thì mới có đủ cơ sở để phân loại vi phạm.

Nhưng theo cơ quan Hải quan, ngà voi Châu Phi (có tên khoa học là Loxondonta Africa, thuộc phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp - (CITES) là mặt hàng nghiêm cấm nhập khẩu nên không có thông tin để xác định trị giá tính thuế. Đây cũng là mặt hàng nghiêm cấm lưu thông trên thị trường nên trên thực tế không thể xác định được giá và hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn việc định giá tang vật vi phạm là hàng cấm.

Việc xử lý với các tang vật khác cũng gặp nhiều vướng mắc. Trên thực tế, năm 2012, số tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính đối với các vụ vận chuyển trái phép qua biên giới thu được chỉ bằng 1/3 số tiền mà cơ quan Hải quan ra quyết định xử phạt. Bởi theo quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan không được phép giữ bất cứ giấy tờ tùy thân nào của đối tượng vi phạm nên không có sự ràng buộc nào để xử lý sai phạm.