Xử lý hiệu quả các vụ kiện, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa tại thị trường ASEAN
ASEAN hiện là một trong các thị trường điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trước xu thế bảo hộ gia tăng, việc ứng phó kịp thời và xử lý hiệu quả các vụ kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này.
Thách thức gia tăng
Tính đến năm 2020, số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Philippin đã điều tra 13 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 1 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 12 vụ điều tra tự vệ. Riêng năm 2020, nước này đã khởi xướng điều tra 4 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị Philippin điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như xi măng, gạch ốp lát, hạt nhựa.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippin năm 2020 đạt hơn 3,5 tỷ USD, chiếm 1,26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 2 triệu USD.
Đối với Malaysia, quốc gia này đã điều tra 10 vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 9 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra tự vệ. Trong năm 2020, nước này đã khởi xướng điều tra 4 vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện các mặt hàng bị Malaysia điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, nhự, gạch ốp lát, màng bọc BOPP.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Malaysia năm 2020 đạt hơn 3,4 tỷ USD, chiếm 1,21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát khoảng 82 triệu USD.
Riêng với Indonesia, hiện quốc gia này đã điều tra 11 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 4 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 7 vụ việc điều tra tự vệ. Trong năm 2020, Indonesia đã khởi xướng 3 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Cục PVTM các mặt hàng bị Indonesia điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, ngoài ra còn có các sản phẩm khác như màng bọc BOPP, giấy cuốn thuốc lá, nhựa hạt EPS và quần áo. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 1,00% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 5,73 triệu USD.
Với Thái Lan, nước này đã điều tra 8 vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 6 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 2 vụ điều tra tự vệ. Trong năm 2020, Thái Lan đã khởi xướng điều tra 1 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị Thái Lan điều tra đều là các sản phẩm thép; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt hơn 4,9 tỷ USD, chiếm 1,74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 550 triệu USD.
Theo Cục PVTM, bên cạnh sự gia tăng về số lượng, tính chất các vụ việc mới về PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn thời gian trước đây. Hiện, các sản phẩm không chỉ giới hạn ở kim loại cơ bản như sắt thép mà mở rộng ra nhiều sản phẩm mới như gạch ốp lát, nhựa, giấy cuộn thuốc lá… Ngoài ra, nhiều nước đang thay đổi phương pháp tiếp cận, có xu hướng tự khởi xướng, điều tra tình hình thị trường đặc biệt hay giảm thời gian điều tra để nhanh chóng áp dụng biện pháp PVTM.
Không chỉ thế, theo Cục PVTM với xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra như tự khởi xướng điều tra, thay đổi phương pháp tính toán, thay đổi quy trình điều tra để bảo hộ ở mức cao cho các ngành sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Đặc biệt, đối với hàng hóa đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, thành viên áp dụng biện pháp có thể sẽ theo dõi xu hướng dịch chuyển sản xuất và thương mại sang các nước lân cận để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh.
Chủ động chuẩn bị nguồn lực ứng phó
Việc các nước ngày càng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo Cục PVTM là một trong những trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu tại các thị trường trong đó có ASEAN.
Do đó, thời gian qua, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp liên quan triển khai các giải pháp ứng phó và xử lý hiệu quả với các vụ kiện PVTM nước ngoài như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tập huấn, tư vấn các vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra liên quan đến Chính phủ.
Nhờ sự chủ động đó, trong một số vụ việc, các nước đã chấm dứt điều tra, không áp thuế hoặc áp thuế PVTM thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp của các nước khác cùng bị điều tra. Đơn cử, các vụ việc có kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021 như Malaysia đã chấm dứt điều tra chống bán phá giá nhựa PET của Việt Nam; Indonesia không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôn lạnh Việt Nam. “Các kết quả này đã góp phần giữ vững các thị trường xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu của ta”- đại diện Cục PVTM đánh giá.
Tuy nhiên, do xu hướng bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, dự báo trong giai đoạn sắp tới số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn. Điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới.
Chính vì vậy, Cục PVTM khuyến nghị tới doanh nghiệp, ngành hàng cần tăng cường chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, nhất là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam, cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện từ các thị trường xuất khẩu, trong đó có ASEAN.
Về phía Cục PVTM, để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro, ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Cục sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan nâng cao năng lực phối hợp trong PVTM cho doanh nghiệp theo Đề án của Chính phủ. Đồng thời, Cục PVTM sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động cảnh báo sớm, phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp một cách có trọng tâm, trọng điểm; cũng như tăng cường quản lý nhà nước nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi hóa thương mại cho các doanh nghiệp.