Xử lý nghiêm các vi phạm về nhập khẩu phế liệu
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An và cử tri TP. Đà Nẵng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến về tình trạng gia tăng nhập phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, chế tài xử lý và xác định rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan.
Ghi nhận ý kiến cử tri
Cụ thể: Kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, tình trạng số lượng rất lớn container đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Trong đó, nhiều loại hàng hóa không thể xuất đi nước thứ 3, chủ yếu là rác thải công nghiệp được các doanh nghiệp (DN) làm thủ tục nhập về rồi bỏ hàng và một phần hàng hóa chưa thể thông quan do thiếu thủ tục. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm và xác định rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan.
Cử tri TP. Đà Nẵng cho rằng, vừa qua tình trạng nhập phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu gia tăng, nhất là những loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cử tri đề nghị Chính phủ cần xem xét trách nhiệm của các lực lượng như: Hải quan, Công an và Bộ đội Biên Phòng làm nhiệm vụ quản lý tại các bến cảng, cửa khẩu.
Doanh nghiệp lợi dụng sở hở về chính sách để nhập khẩu phế liệu
Trước kiến nghị của cử tri tỉnh Long An và cử tri TP. Đà Nẵng, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2018, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp. Qua công tác xác minh, điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện thực trạng là các DN đã dùng hàng loạt phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như: Lợi dụng sở hở về cơ chế chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam; sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn (nước thải, khí thải) là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
Qua đó, hàng ngàn tấn phế liệu giấy, nhựa được buôn bán dạng thu gom, trong đó có cả phế liệu nhập khẩu được chuyển về từ các cảng biển về.
Ngoài ra, một số DN đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để nhập khẩu phế liệu nhưng lại bán cho các DN nhỏ lẻ khác (DN chưa được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Kiểm soát chặt phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, đặc biệt Thủ tướng Chỉnh phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.
Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các Bộ ngành đã quyết liệt triển khai các giải pháp, trong đó Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát phế liệu nhập khẩu trong đó đã triển khai và áp dụng thành công biện pháp kiểm soát, ngăn chặn từ xa đối với phế liệu nhập khẩu bao gồm kiểm soát về các điều kiện về chứng từ nhập khẩu trước khi lô hàng phế liệu được phép hạ bãi xuống cảng như Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, Giấy xác nhận ký quỹ thông qua thông tin khai báo trên manifest.
Với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu và các mặt hàng có đặc trưng là phế liệu nhập khẩu, như: Kế hoạch 2116/KH-TCHQ ngày 20/4/218 về kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu trên phậm vi toàn quốc; Kế hoạch 275/KH-TCHQ ngày 11/7/2018 về điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong nhập khẩu phế liệu. Đồng thời, áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu (công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018, công văn số 6644/TCHQ-GSQL ngày 13/11/2018…).
Ngoài ra, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu, đồng thời nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ DN nhập khẩu xác định được số lượng phế liệu còn được phép nhập khẩu để chủ động trong kinh doanh và cơ quan hải quan có cơ sở để thực hiện theo dõi trừ lùi phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã xây dựng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm hỗ trợ các đơn vị như cơ quan hải quan, DN kinh doanh cảng và DN nhập khẩu phế liệu nâng cao hiệu quả quản lý phế liệu nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với phế liệu không đáp ứng điều kiện quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành: đánh giá tổng thể tình hình xuất nhập khẩu phế liệu của trên 250 DN, qua đó xác định 44 DN có dấu hiệu nghi vấn gian lận trong hoạt động nhập khẩu phế liệu, trong đó 21 DN có dấu hiệu vi phạm số lượng lớn (làm giả hồ sơ, nhập vượt hạn mức hàng nghìn tấn phế liệu).
Các DN đã sử dụng một số phương thức gian lận như: làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản của cơ quan nhà nước để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu; DN đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cơ quan hải quan phát hiện DN nhập khẩu phế liệu nhưng không có cơ sở sản xuất theo quy định hoặc có cơ sở sản xuất nhưng năng lực sản xuất thấp hơn so với lượng phế liệu được phép nhập khẩu và chủ yếu nhập khẩu để bán cho các DN hoạt động trong các làng nghề tái chế phế liệu; Nhập khẩu phế liệu vượt quá công suất sản xuất thiết kế; Khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa để khi nhập khẩu không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu; Sửa đổi thông tin tên hàng, cảng đích trên vận đơn trên Hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử (E-manifest) để chuyển đổi địa bàn hoạt động và thay đổi tên hàng khi khai báo để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát; Cất giấu hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trong các lô hàng phế liệu nhập khẩu như cocain, ngà voi và vảy tê tê.
Xử lý nghiêm các vi phạm về nhập khẩu phế liệu
Trên cơ sở kết quả điều tra, sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều Quyết định khởi tố vụ án Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiền tệ qua biên giới, theo Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, 02 Quyết định khởi tố Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt (MST 2700784265) đối với hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Sài Gòn KV1, KV3 - TP. Hồ Chí Minh; Quyết định khởi tố Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Xây dựng Hồng Việt (MST 0313010373); Quyết định khởi tố DN tư nhân sản xuất bao bì Trường Thịnh (MST 0700244386).
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật
Qua quá trình triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát phế liệu nêu trên, kết quả là lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2018, tổng lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam là 107,1 nghìn tấn, giảm hơn 61% so với 06 tháng đầu năm 2018 (06 tháng đầu năm 2018 nhập khẩu 274,7 nghìn tấn) và bằng 42% so với cùng kỳ năm 2017 (06 tháng cuối năm 2017 nhập khẩu 253,1 nghìn tấn).
Các DN đã chủ động chỉ nhập khẩu vào Việt Nam các lô hàng phế liệu đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định của pháp luật vào lãnh thổ Việt Nam sau đó từ bỏ, gây tồn đọng tại cảng biển như những tháng đầu năm 2018.
Kết quả bước đầu đã cho thấy hiệu quả thành công theo sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và của các bộ, ngành nói chung, Bộ Tài chính nói riêng trong công tác quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Đến nay, hoạt động nhập khẩu phế liệu tại cửa khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ góp phần để Việt Nam không trở thành bãi rác của thế giới.