Xử lý nghiêm vi phạm giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, minh bạch
Theo các chuyên gia chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán và trên thị trường chứng khoán sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch.
Trước những lo ngại việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an khởi tố, bắt tạm giam có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh. Đồng thời, cần phân tích, nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.
Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKNN cho biết, hiện cơ quan quản lý đang phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp thông tin theo yêu cầu, đồng thời khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh và không nên hoảng loạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định dựa trên những yếu tố nền tảng quan trọng là các yếu tố như: Kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực; Chính sách tiền tệ linh hoạt theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế phát triển với mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố khiến dòng tiền vận động tích cực trên thị trường chứng khoán; Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao…
Thực tế cho thấy, dù một thời gian dài đối mặt với dịch bệnh COVID-19, với các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế nước ta đang có xu hướng hồi phục tăng trưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022...
Theo các chuyên gia chứng khoán, nền tảng thị trường chứng khoán phát triển bền vững dựa trên nhiều yếu tố vĩ mô và nội tại của thị trường, còn các thông tin biến động ở từng doanh nghiệp hay nhóm ngành chỉ là những biến động ngắn hạn và nhỏ trong phạm vi liên quan mà thôi. Dù hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có phản ứng tức thì khi nhiều cổ phiếu nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” giảm sàn nhưng theo tính toán, nhóm cổ phiếu này chỉ chiếm khoảng gần 1% về lượng cổ phiếu niêm yết, chiếm gần 0,35% về vốn hóa thị trường, và chiếm hơn 2,3% về giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2021 cho tới nay, nên tác động trực tiếp đến thị trường chung sẽ không lớn.
Trên thực tế, trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp, thậm chí là tin đồn, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường xuất hiện tình trạng bán mạnh. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực chỉ diễn ra ngắn và nhanh chóng qua đi, sau đó thị trường chung đã hồi phục trở lại. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là nhà đầu tư cần bình tĩnh để có quyết định đầu tư đúng đắn, cần phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, tránh trường hợp bán tháo, có thể gây thiệt hại cho bản thân.
Đồng thời, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần nhìn nhận thấu đáo rằng động thái của cơ quan quản lý về việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán và trên thị trường chứng khoán nhằm mục tiêu giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch.
“Tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính là thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán” – Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Rõ ràng, chỉ một khi thượng tôn pháp luật, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thêm những bước phát triển vững chắc, tạo được niềm tin và thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước.