Xử lý nợ xấu nhìn từ cơ chế phối hợp
(Tài chính) Nghị định 34 đã bổ sung, quy định cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ VAMC xử lý nợ xấu.
Kết quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các TCTD thời gian qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng có nguyên nhân do thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hợp lý của các bộ, ngành liên quan.
Chính vì vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm áp dụng Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, một Nghị định mới được ban hành là Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.
Theo các chuyên gia, Nghị định 34 đã bổ sung, quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ VAMC xử lý nợ xấu phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan.
Cụ thể, Nghị định 34 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng, Bộ này có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm theo đề nghị của Công ty Quản lý tài sản; và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản.
Các chuyên gia pháp chế ngân hàng cho biết, việc bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cần thiết, bởi lẽ, theo quy định của Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất bị giới hạn theo mục đích sử dụng đã được quyết định tại thời điểm giao đất hoặc được thuê từ Nhà nước; và người nắm giữ quyền sử dụng đất không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác với mục đích đã được quyết định.
Trong trường hợp tiếp nhận quyền sử dụng đất, nhà đầu tư không được phép sử dụng đất cho các mục đích khác với mục đích đã được quy định trước khi nhận chuyển nhượng, trừ khi được sự chấp thuận của Nhà nước hoặc trong trường hợp đất được trả lại, sau đó ký hợp đồng thuê đất mới với Nhà nước.
Nếu thực hiện đúng trình tự nêu trên thì với quy định hiện hành, các tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất không thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, gây khó khăn rất lớn cho việc xử lý nợ của VAMC.
Do vậy, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất khi xử lý tài sản bảo đảm là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của VAMC.
Cùng với đó, việc bổ sung trách nhiệm này để xử lý tài sản bảo đảm là dự án đầu tư bất động sản thì VAMC phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo yêu cầu hợp lý của nhà đầu tư.
Một điểm mới khác, theo quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP, Bộ Công an và UBND các cấp có trách nhiệm hỗ trợ VAMC trong việc thu hồi, thu giữ tài sản bảo đảm và hỗ trợ việc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm cho người mua. Tuy nhiên, thời gian qua khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, VAMC chưa nhận được sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp nơi thu giữ tài sản bảo đảm, trong khi chủ sở hữu tài sản chây ì, không hợp tác với VAMC để bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định.
Do vậy, Nghị định 34 đã bổ sung theo hướng giao Bộ Công an, UBND có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai hỗ trợ VAMC trong việc thu giữ, thu hồi tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản cho người mua.
Đối với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua việc xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thuê tại khu công nghiệp gặp phải khó khăn trong việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho người mua, hoặc trúng đấu giá tài sản (người mua tài sản bảo đảm).
Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 64, Luật Đầu tư không có quy định đối với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp tài sản trên đất của dự án đầu tư là tài sản bảo đảm bị xử lý (bán) để thu hồi nợ.
Để khắc phục điều này, Nghị định 34 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho người mua hoặc người trúng đấu giá tài sản trên đất của dự án đầu tư là tài sản bảo đảm bị xử lý của khoản nợ của VAMC.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý khoản nợ, việc VAMC bán tài sản bảo đảm không phải là hoạt động kinh doanh tài sản (đã được xác định rõ tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm) mà nhằm xử lý nợ xấu, khai thác tiềm năng của đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. VAMC bán tài sản bảo đảm là các dự án bất động sản cho nhà đầu tư không nhằm mục tiêu thu lợi từ việc chuyển nhượng dự án mà góp phần chống xuống cấp của các dự án bất động sản dở dang, sau đó hoàn thiện và đưa vào phục vụ nhu cầu dân sinh, phục vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm của dự án bất động sản của VAMC khó thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để VAMC bán tài sản bảo đảm là các dự án bất động sản cần có hướng dẫn cụ thể.
Từ thực tế này, Nghị định 34 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng là hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật về xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; và hướng dẫn về điều kiện bán tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản là dự án bất động sản cho nhà đầu tư khi có vướng mắc.