Xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc doanh nghiệp

Theo Thời báo Ngân hàng

Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng và nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem là “hai mặt của một đồng tiền” – ý nói rất gắn kết với nhau. Do đó, một Công ty Quản lý Tài sản ra đời và đi vào hoạt động để giải quyết nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thì đồng thời cũng có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu của các DNNN.

Xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc doanh nghiệp
Cần xác định lại vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân
Mặc dù ghi nhận nhiều cải thiện tích cực liên quan đến kinh tế vĩ mô cũng như các chương trình tái cấu trúc đang được tiến hành, nhưng các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhìn nhận, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu và kế hoạch đặt ra. Liên quan đến các rủi ro đối với tiến trình cải cách, chuyên gia của ADB đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề cải cách DNNN và những yếu tố cần làm rõ.

Sự thiếu hiệu quả của DNNN đã được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua. Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, những yếu kém của DNNN đã bóp méo hiệu quả phân bổ nguồn lực, khiến vốn khó đến được với những DN hoạt động hiệu quả.

Sự việc càng trở nên trầm trọng khi DNNN được Chính phủ trợ cấp ngân sách và nhiều nguồn lực để cung cấp dịch vụ công, nhưng chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp kém, trong khi gánh nặng nợ nần ngày càng lớn. Vì vậy cải cách DNNN là yêu cầu tất yếu.

“Cải cách DNNN là quá trình quan trọng để đặt DNNN hoạt động trên một mặt bằng chung với DN tư nhân từ góc độ phân bổ nguồn lực cũng như các điều kiện cả hữu hình và vô hình”, ông Kimura nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia của ADB cũng cho rằng, việc tái cấu trúc DNNN nếu làm một cách “đại trà”, đồng loạt sẽ khó thành công trong bối cảnh chi phí để xử lý cùng lúc sẽ rất tốn kém, và các nguồn lực của Việt Nam không cho phép.

Để tránh tình trạng “làm cho có”, hay nguy cơ cải cách sẽ không đạt được kết quả cao, ADB khuyến nghị: ngoài quyết tâm và nỗ lực cao hơn, Chính phủ cần có chiến lược chọn lọc, làm điểm đối với những DNNN thật sự phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện. “Chính phủ cần phải có chiến lược hơn, chọn lọc hơn về cách thức tái cơ cấu DNNN. Vì rất nhiều DNNN hiện nay đang có gánh nặng nợ rất cao”, chuyên gia kinh tế Dominic Mellor của ADB tại Việt Nam đề xuất.

Chuyên gia này lý giải: “Việc tái cơ cấu các DNNN sẽ cực kỳ tốn kém và khó khăn nên không thể nào tái cơ cấu cùng một lúc tất cả các DNNN, mà cần chọn lọc những DNNN nào phù hợp nhất để cải cách. Và khi một DNNN nào được lựa chọn để tái cơ cấu thì phải tiến hành tái cơ cấu tổng thể, toàn diện”.

Theo các chuyên gia ADB, làm như vậy sẽ giúp Chính phủ vừa có đủ nguồn lực để thực hiện, đồng thời sẽ giúp cho việc tái cấu trúc được triển khai một cách triệt để hơn. Khi những DNNN tiến hành tái cơ cấu và đạt được đúng các mục tiêu đặt ra sẽ có tác động lan tỏa đến DNNN khác.

Theo ông Dominic Mellor, có nhiều tiêu chí cho việc lựa chọn DNNN nào cần thúc đẩy tái cơ cấu trước. Tuy nhiên, các yếu tố không thể thiếu là cần xác định rõ xem tầm quan trọng của DNNN đó đối với nền kinh tế thế nào; thực trạng hoạt động thiếu hiệu quả của DNNN đó đến đâu; và chi phí ngân sách đang phải bỏ ra cho DN này đang lớn thế nào.

Đồng thời với đó, cần xây dựng được khuôn khổ pháp lý thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu DNNN, cũng như cần có sự phối kết hợp, hợp tác tốt giữa liên ngành để tránh chồng chéo. Ông Mellor lấy ví dụ, Bộ Tài chính xây dựng các quy định liên quan đến việc điều chỉnh của các DNNN; Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại liên quan đến vấn đề xây dựng quy định về đầu tư; còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về lực lượng lao động.

“Vậy nếu chỉ nhìn từ góc độ người lao động thì khi các DNNN có sự chuyển đổi, chúng ta phải xử lý chính sách với người lao động như thế nào cho hợp lý?... Những vấn đề như vậy đòi hỏi phải có sự hợp tác thật tốt giữa các bộ, cơ quan liên ngành”, chuyên gia này nói.

Ông Kimura cũng cho rằng, vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng và nợ của DNNN được xem là “hai mặt của một đồng tiền” – ý nói rất gắn kết với nhau. Do đó, một Công ty Quản lý Tài sản (AMC) ra đời và đi vào hoạt động để giải quyết nợ xấu trong hệ thống các TCTD thì đồng thời cũng có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu của các DNNN.

“Nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chính sách rất chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và NHNN” – ông Kimura nhấn mạnh và cho biết, các quốc gia châu Á khác sau khủng hoảng tài chính năm 1997 - 1998 đã luôn kết hợp giữa xử lý nợ xấu với tái cấu trúc DN (cả Nhà nước và tư nhân) và họ đã rất thành công.

ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,6% trong năm 2014. Lạm phát năm 2013 vào khoảng 7,5% và có thể tăng lên 8,2% vào năm 2014. Đáng chú ý, ADB dự báo thặng dư thương mại năm nay có thể đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay trước khi giảm nhẹ trong năm 2014 do nhập khẩu tăng mạnh.