Xử phạt tài xế uống rượu bia: Đừng ngụy biện, hãy thực thi!
6 ngày ra quân, CSGT cả nước đã xử lý 2.673 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ngày 7/1, thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) thuộc Cục CSGT, Bộ Công an - cho biết sau 6 ngày, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỉ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp.
Xử nghiêm người chống đối việc xử phạt
Theo Cục CSGT, cục đã yêu cầu trưởng phòng CSGT công an các địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Mục đích lớn nhất của các quy định trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia là nâng cao nhận thức và ý thức sử dụng rượu bia an toàn để hạn chế tác hại của rượu bia với sức khỏe, trật tự và an toàn xã hội trong đó có an toàn giao thông. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tuyên truyền để mọi người biết rằng nếu có hàm lượng cồn rất nhỏ trong máu do thực phẩm, người tham gia giao thông sẽ không bị xử phạt.
CSGT công an các địa phương khi tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, cần lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy; lựa chọn vị trí kiểm soát phù hợp, xác định khu vực "bảo đảm trật tự, an toàn giao thông", sử dụng cọc tiêu hoặc dây căng khoanh vùng kiểm soát. Dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm.
Cục CSGT đề nghị kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng khống chế đưa về trụ sở công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.
Trước những lo ngại về việc khi ăn trái cây, người điều khiển phương tiện cũng có thể bị xử phạt do vượt mức nồng độ cồn, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết qua theo dõi 6 tháng cuối năm 2019, cục ghi nhận 640 trường hợp vi phạm nồng độ cồn từ 0 đến 0,25 mg/lít khí thở. "Toàn bộ trường hợp này không khiếu nại gì. Chúng tôi luôn theo dõi các vi phạm để bảo đảm xử lý đúng người" - ông Nhật nói.
Ai cũng "mong thông cảm", luật sẽ nhờn!
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, không ít người cho rằng quy định cấm uống rượu bia khi lái xe là quá khắt khe và so sánh không có nhiều quốc gia thực thi quy định này. Tuy nhiên, với một quốc gia có tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở mức cao (khoảng 80% người trưởng thành uống rượu, bia) thì cần có những quy định để thay đổi thói quen của người dân. Từ chỗ chưa có sự kiểm soát chuyển sang tuân thủ các quy định của luật là rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao.
Tỉ lệ người đi xe máy chiếm từ 70% - 90% và khoảng 40% số vụ TNGT do uống rượu bia lái xe. Tỉ lệ tai nạn do nam giới gây ra là 80% - 90%. Các số liệu này cho thấy việc cấm điều khiển phương tiện giao thông khi có cồn trong máu rất cần thiết.
"Chúng ta đừng biện minh cho những hành vi sai trái để chống đối những quy định của luật đã được thông qua dựa trên các tính toán khoa học và thực tiễn" - ông Quang nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, mọi người hay "mong có sự thông cảm" khi vi phạm nhưng mỗi ngày, TNGT cướp đi sinh mạng của người thân chúng ta bắt nguồn từ việc lái xe uống rượu thì những biện minh đó còn chính đáng hay không? Ý kiến đề nghị sửa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia theo hướng giảm mức phạt phù hợp với thu nhập người dân và tăng nồng độ cồn (VN hiện nay cứ có nồng độ cồn là phạt, trong khi nhiều nước là 0,05% mới phạt), theo ông Quang - chỉ là ngụy biện, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Lý giải về những trường hợp uống rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho rằng điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lượng rượu, loại rượu, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu.
Những trường hợp uống lúc đói thì hấp thu rượu rất nhanh, nếu dạ dày có thức ăn thì hấp thu chậm hơn. Với người uống kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào sức khỏe cũng ảnh hưởng đến thời gian nồng độ cồn tồn tại bao lâu trong máu. Tuy nhiên, về mặt khoa học, bất kể nồng độ cồn ở mức nào, kể cả nồng độ thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh. Khi còn nồng độ cồn tức là cơ thể chưa thể tỉnh táo hoàn toàn.
Tiền xử phạt nộp toàn bộ vào ngân sách
Cùng ngày, Bộ Tài chính đã lý giải về thông tin cho rằng lực lượng công an được giữ lại 70% tiền nộp phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, để khắc phục tình trạng TNGT có chiều hướng tăng cao, kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, ngày 25/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89 quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng CSGT, thanh tra giao thông với các tỉ lệ phân bổ cụ thể. Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2013, Thông tư 89 nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153 ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
"Tại khoản 5 điều 4 Thông tư số 153 nêu rõ tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính khẳng định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153 thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước" - Bộ Tài chính nêu.