Xuất khẩu 11 tháng vượt chỉ tiêu cả năm 2017

Theo TTXVN

Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với mức tăng trên 21% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này cũng vượt xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thặng dư thương mại lớn

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 11 ước đạt 19,2 tỷ USD, tính chung 11 tháng đạt 193,75 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 53,09 tỷ USD, tăng 16,8% và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 140,66 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu), tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Với kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu đã chính thức vượt mục tiêu đề ra trong năm 2017 là 188 tỷ USD, trong khi tốc độ tăng trưởng 21,1% của 11 tháng cũng cao hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 7% mà Bộ Công Thương đã đề ra trong năm 2017.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo dù gặp nhiều khó khăn do một số quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực, song mặt hàng này vẫn tăng trưởng mạnh, với mức tăng 24,1% về lượng và 24,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016.

Hơn nữa, cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp nhưng tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, chất lượng cao.

Tương tự với mặt hàng thủy sản, dù bị liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo nhưng sau 11 tháng, xuất khẩu mặt hàng này đem về khoảng 7,6 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói về lĩnh vực này, tại phiên họp báo Chính phủ ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, cơ quan này đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể và chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Trong đó, Luật Thủy sản sửa đổi đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 mới đây đã đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU và phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang khẩn trương triển khai sửa các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuỷ sản nhằm hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế trong đó có EU. 

Một điểm nổi bật trong bức tranh xuất nhập khẩu 11 tháng đó là sự tăng trưởng rất cao của nhóm nhiên liệu khoáng sản và nhóm công nghiệp chế biến, với con số lần lượt là 26,4% và 22,4%, trong khi nhóm hàng nông lâm thủy sản có mức tăng là 16,9%. 

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (với mức tăng khoảng 16 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016).

Tính đến hết tháng 11, cả nước nhập khẩu ước đạt 191 tỷ USD, trong đó nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 170,63 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Nhóm hàng cần kiểm soát đạt khoảng 11,16 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Như vậy, sau 11 tháng, thặng dư thương mại của cả nước tiếp tục đạt ở mức cao khi xuất siêu 2,8 tỷ USD (xấp xỉ 63 nghìn 700 tỷ đồng), bằng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu cả năm có thể đạt 210 tỷ USD
Nhận xét về kết quả xuất nhập khẩu sau 11 tháng, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu sau 11 tháng ở mức cao sẽ là đòn bẩy tích cực giúp gia tăng nguồn ngoại tệ trong nước, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường hàng hóa trong nước.

Với nhiều tín hiệu tích cực như như hiện nay, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, với kim ngạch là 210 tỷ USD, tăng khoảng 18,9% so với năm ngoái.

Mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. 

Hơn nữa, báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây công bố Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước, điều này cho thấy, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao.

Còn theo Vụ Kế hoạch, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. 

Hiện nay Việt Nam đã thực thi 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ và đã tận dụng được lợi thế từ các cam kết này. Trong giai đoạn 2018 - 2022, lộ trình thuế quan cắt giảm sâu hơn và tiến tới về 0% đối với nhiều mặt hàng, sẽ tạo cơ hội mới để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.