Xuất khẩu "chạy nước rút"!
Xuất khẩu của Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi. Năm 2017 còn vỏn vẹn gần 3 tháng, vẫn là khoảng thời gian đầy thử thách, khi mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo đối mặt rủi ro suy giảm từ những chính sách hướng tới bảo hộ, thu hẹp các dòng chu chuyển thương mại.
Nhận xét mới đây của Bộ Công Thương cho thấy tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2017 là ở mức cao. Trong phần đánh giá chung có cho biết xuất khẩu điện thoại, máy tính là hai nhóm mặt hàng đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong 3 quý đầu năm 2017.
Như nhận định lạc quan trước đó của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu chu kỳ tăng trưởng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Lo chính sách bảo hộ
Bản báo cáo của Bộ Công Thương có dự kiến trong những tháng cuối năm nay, xuất khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn có khả năng tăng trưởng do Dự án Samsung Display (mới được tăng vốn đầu tư trong những tháng đầu năm nay) đã có sản phẩm xuất khẩu ngay từ những tháng cuối năm 2017.
Điều này dễ làm liên tưởng đến nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, về sự phụ thuộc mức tăng trưởng xuất khẩu vào Samsung là quá lớn. Rõ ràng, sự phụ thuộc vào “sức khoẻ” của một công ty nước ngoài như Samsung sẽ nguy hiểm như thế nào cho hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang áp đảo, chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất khẩu (9 tháng qua, khối này đạt kim ngạch 110,86 tỷ USD, tăng đến 21%).
Thực ra, cơ cấu sản xuất trong nước và xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào đầu vào nhập khẩu trong khi ngành công nghiệp phụ trợ còn thiếu vắng và chưa phát triển. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là mặt hàng gia công, bởi thế, khi xuất khẩu tăng cũng đồng nghĩa với nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu cũng tăng theo.
Theo số liệu mới nhất của liên Bộ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 154,03 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu vào thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ (24,32 tỷ USD); châu Âu (19,66 tỷ USD); Nhật Bản (671 triệu USD).
Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn cẩn thận lưu ý trong 3 tháng cuối năm nay cũng như trong những năm tới, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với một số rủi ro suy giảm, trong đó có nguyên do là các chính sách hướng tới bảo hộ sẽ thu hẹp các dòng chu chuyển thương mại.
Điều đó đồng nghĩa xu hướng bảo hộ thương mại đã, đang và sẽ diễn ra trong nhiều năm tới, các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thực thi, nó sẽ tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế đã cho thấy, với xu hướng bảo hộ thương mại, Việt Nam đang ngày càng đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều hơn, trong đó phần lớn là vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp.
Điển hình là trong vòng nửa đầu năm nay, phía Hoa Kỳ đã liên tiếp khởi xướng 4 vụ việc phòng vệ thương mại (bao gồm 2 vụ chống bán phá giá, 2 vụ tự vệ thương mại) có liên quan đến Việt Nam.
Trong khi đó, theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với 1.000 DN thì có đến 63% DN vẫn còn chưa hiểu nhiều về phòng vệ thương mại.
Nâng giá trị, vượt rào cản
Trở lại các con số trong hoạt động xuất khẩu 9 tháng qua, có thể thấy nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản vẫn còn giữ mức tăng trưởng rất cao, ước đạt 3,38 tỷ USD, tăng 35,0% so với cùng kỳ và tăng ở tất cả các mặt hàng.
Trong đó, nổi bật nhất là mặt hàng than đá, tăng 122,5% về khối lượng xuất khẩu; nhóm quặng và khoáng sản khác tăng tới 118,7% về khối lượng. Cần lưu ý, đây là nhóm hàng mà theo định hướng là cần giảm bớt xuất khẩu.
Cũng nên ghi nhận sự đóng góp của nhóm hàng công nghiệp chế biến với mức tăng cao, ước đạt 123,9 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 80,44% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng ở tất cả các mặt hàng.
Cũng cần quan tâm đến sức đóng góp của nhóm hàng nông sản, thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,33 tỷ USD, chiếm 12,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng rau quả, gạo, hạt điều, thủy sản… tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Theo đánh giá, sự gia tăng xuất khẩu trở lại của mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo sau một thời gian khá dài gặp khó khăn nhờ sự gia tăng xuất khẩu trở lại vào các thị trường truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Bangladesh, Trung Quốc.
Đóng góp vào thành công về tăng trưởng của nhóm hàng nông lâm, thủy sản được cho là do công tác phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ kết quả của các đoàn ngoại giao cấp cao của Việt Nam thời gian qua.
Chẳng hạn, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài, thanh long),…
Về thị trường xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đều cao, đặc biệt là các thị trường có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Điều này thể hiện rõ chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Giới chuyên gia khuyến nghị, trong 3 tháng cuối năm, để xuất khẩu “chạy nước rút”, điều cần làm là các cơ quan quản lý cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ngoài ra, cần hỗ trợ DN ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ DN đáp ứng các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu.
Mặt khác, điều nên làm là các DN hãy nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu (đặc biệt là nông sản, thủy sản) thâm nhập vào các thị trường mới.