Xuất khẩu gạo vẫn có thể đạt hơn 6 triệu tấn năm 2021
Gạo Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong 6 tháng cuối năm, theo nhận định từ lãnh đạo tập đoàn Tân Long, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 6 triệu gạo như mục tiêu ban đầu, bất chấp dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát.
Sáng nay (30/7), Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE đã tổ chức toạ đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp.
Toạ đàm diễn ra trong khi đầu tầu kinh tế của cả nước là TP. Hồ Chí Minh cùng 19 tỉnh/thành khác phía Nam và Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong đó có nhiều khu công nghiệp đang bị ảnh hưởng, vựa lúa phía Nam cũng nằm trong vùng khó khăn.
Khi được hỏi về nhận định tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành khá ổn, giá gạo xuất khẩu đạt cao và tiêu dùng trong nước cũng đạt tăng trưởng tốt.
Nhìn về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo của 6 tháng cuối năm, cần phải thấy rằng các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia đang đối mặt với tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất nghiêm trọng, nên có nhiều dự báo hoạt động xuất khẩu gạo sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, đối với ngành hàng lương thực đặc biệt là lúa gạo, Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu gạo nhiều năm qua, và các bạn hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ vẫn tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam cho dù dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia này trầm trọng hơn cả Việt Nam.
Hơn nữa, nguồn cung gạo từ nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam ngoài những ưu điểm về tính tươi mới, độ ngon được người tiêu dùng ở các thị trường Đông Nam Á ưa thích, thì việc cạnh tranh về giá với gạo Ấn Độ là một khó khăn lớn, vì gạo Ấn Độ có giá rất rẻ và là nguồn cung lớn. Những tháng tới, sự cạnh tranh này đã giảm sút hơn nhiều.
“Về thị trường xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm khi nhìn vào các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á khi mà các tồn kho đệm của họ đã sử dụng gần hết trong suốt thời gian có dịch, và bây giờ họ cần phải sắp xếp lại nguồn cung để tái cấu trúc tồn kho và đảm bảo tồn kho đệm của quốc gia.
Bên cạnh đó, thị trường Cuba có nhu cầu nhập khẩu gạo ổn định từ Việt Nam. Trước đây Cuba nhập khẩu gạo theo hợp đồng G2G thì bây giờ họ chuyển sang nhập khẩu thương mại và chú trọng đến chất lượng gạo nhiều hơn.
Do vậy, xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm, theo đánh giá của tôi thì Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trên 6 triệu tấn gạo, nhưng giá gạo xuất khẩu sẽ không cao như 6 tháng đầu năm. Hiện nay ĐBSCL đang vào thu hoạch rộ lúa Hè Thu, và sẽ có hơn 1,5 triệu hecta lúa Hè Thu phải thu hoạch từ nay đến hết tháng 9.
Từ cuối tháng 7 đến tháng 8, hầu hết các tỉnh/thành ở miền Tây đều áp dụng lệnh giãn cách theo chỉ thị 16 nên việc luân chuyển hàng hóa đang gặp khó khăn. Hầu hết các nhà máy xay xát tư nhân đang áp dụng “3 tại chỗ” nhưng chưa biết sẽ hình thức sản xuất này sẽ kéo dài đến khi nào, và hiện nay khu vực tư nhân có vốn đầu tư theo hộ gia đình đang thật sự khó khăn”, ông Trung cho biết.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 6/2021 cả nước xuất khẩu 436.140 tấn gạo, tương đương 241,61 triệu USD, giá trung bình 554 USD/tấn. So với tháng 6/2020 giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 6,3% kim ngạch và tăng 9,8% về giá.
Trong tháng 6 xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 5, trong đó xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh gần 35% cả về lượng và kim ngạch, đạt 150.735 tấn, tương đương 78,79 triệu USD; Malaysia giảm 37,6% về lượng và giảm 39% kim ngạch, đạt 14.544 tấn, tương đương 7,48 triệu USD.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2021, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,03 triệu tấn thu về gần 1,65 tỷ USD, giảm 14% về lượng và giảm 4% về giá trị so với 6 tháng đầu năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình đạt 544,4 USD/tấn, tăng 11,7%.
Philippines vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 1,09 triệu tấn, tương đương 579,83 triệu USD, giá trung bình 530,5 USD/tấn, giảm 20,6% về lượng, giảm 8,6% về kim ngạch nhưng tăng 15% về giá so với 6 tháng đầu năm 2020; chiếm 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc đứng thứ 2 với 580.942 tấn, tương đương 308,68 triệu USD, giá trung bình 531,4 USD/tấn, tăng 26,9% về lượng, tăng 12,5% về kim ngạch nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 19% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Thị trường Ghana đứng thứ 3 đạt 327.551 tấn, tương đương 191,3 triệu USD, giá 584 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 32%, 51% và 14,6% so với cùng kỳ, chiếm gần % trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Malasysia giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm 55,9% về lượng, giảm 45,4% về kim ngạch nhưng tăng mạnh 23,7% về giá, đạt 151.104 tấn, tương đương 80,13 triệu USD, giá 530,3 USD/tấn, chiếm 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.