Xuất khẩu giày dép hướng mốc 8 tỷ USD
(Tài chính) Giày dép là mặt hàng thu hút nhiều lao động, tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD từ rất sớm (năm 1998) và năm nay đang hướng tới kỷ lục mới trên 8 tỷ USD!
Giày dép cũng là mặt hàng sớm tham gia câu lạc bộ các mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (vào năm 1998, chỉ sau mặt hàng dầu thô vượt qua mốc 1 tỷ USD vào năm 1995 và sau mặt hàng dệt may vượt qua mốc 1 tỷ USD vào năm 1996).
Năm 2012, giày dép đã thuộc nhóm xuất khẩu trên 7 tỷ USD, gồm 5 thành viên (sau dệt may 15,09 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện 12,72 tỷ USD, dầu thô 8,23 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,84 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu giày dép trong năm 2012 đã chiếm trên 6,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Việc tăng với tốc độ cao và đạt quy mô khá của xuất khẩu giày dẹp đạt được trong điều kiện tình hình kinh tế tại các thị trường lớn vẫn còn khó khăn là kết quả tích cực đáng khích lệ.
Giày dép sản xuất tại Việt Nam trong 8 tháng qua (Tổng cục Hải quan mới có số liệu 8 tháng) đã có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị trường lớn.
EU là thị trường lớn nhất, đạt 1,89 tỷ USD, tăng 9,1% và chiếm 34,6%. Trong khu vực này, các nước nhập khẩu lớn là Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha… Tiếp đó là thị trường Hoa Kỳ (1,72 tỷ USD); Nhật Bản (261 triệu USD); Trung Quốc (243 triệu USD)...
Ngoài các thị trường lớn trên, còn có một số thị trường nhập khẩu giày dép với kim ngạch không nhỏ, như: Hàn Quốc, Canada, Panama, Australia, Hongkong (Trung Quốc), Nga, Nam Phi, Slovakia, Đài Loan (Trung Quốc), Chile, Áo, Thụy Điển …
Cả nước hiện có trên 1.100 doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, với trên 720 nghìn lao động, 68 nghìn tỷ đồng vốn sản xuất kinh doanh, 37 nghìn tỷ đồng tài sản cố định, trên 86 nghìn tỷ doanh thu thuần… của các doanh nghiệp giày dép. Đó là chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất giày dép cá thể, làng nghề với hàng chục nghìn lao động để phục vụ nhu cầu trong nước hoặc tham gia gia công xuất khẩu. Đây là nguồn lực dồi dào giúp ngành giày dép có thể đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn với yêu cầu chất lượng cao.
Bên cạnh đó là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành này để khai thác nguồn nhân lực dồi dào, trẻ khỏe và giá nhân công rẻ. Xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chiếm tới 76,4% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép sản xuất tại Việt Nam.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu giày dép vẫn có bốn vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.
Một là, nguồn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu còn lớn, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp, có đàn trâu đàn bò nhiều. Vì vậy, cần phát triển công nghiệp chế biến da để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm thiểu tính gia công.
Hai là, lao động có tay nghề ở những khâu kỹ thuật còn ít, ở khâu quan trọng nhất còn phải thuê kỹ thuật nước ngoài hoặc phải nhập khẩu với giá rất cao, lại bị phụ thuộc. Cần phải tăng cường đào tạo chung, đặc biệt là ở những khâu kỹ thuật cao.
Ba là, thu nhập của lao động ngành giày dép nhìn chung còn thấp.
Bốn là, thị trường nhập khẩu giày dép hàng đầu của Việt Nam hiện chưa phục hồi tăng trưởng, người dân còn “thắt lưng buộc bụng”.