Xuất khẩu gỗ: Cơ hội và thách thức đan xen
Mười tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng trên 16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); phấn đấu đạt hơn 8 tỷ USD vào cuối năm. Song, ngành gỗ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là về thị trường xuất khẩu và thiếu hụt sản lượng gỗ rừng trồng.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 845,4 triệu USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 598,3 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng trước và tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 10/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Dẫn đầu là thị trường Mỹ với trị giá đạt 389 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Pháp và Malaysia tăng mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Anh và Đức có trị giá giảm.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành gỗ vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan và mở rộng ra nhiều thị trường mới. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2018 dự đoán đạt 8,85 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới. Với kim ngạch này, đồ gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 tiếp tục tăng, vì sản phẩm gỗ Việt đang được nhiều nhà nhập khẩu lớn quan tâm, nhất là Mỹ, do nhu cầu đồ nội thất của quốc gia này thường tăng mạnh vào cuối năm.
Mặt khác, đồ gỗ Việt cũng đang được các nhà nhập khẩu EU quan tâm do có kỹ thuật cao hơn nhiều nước châu Á và ngày càng có khả năng cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao ở châu Âu. Trước mắt, gỗ Việt chỉ phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường Nhật Bản. Song, một số doanh nghiệp (DN) Việt đã tìm hiểu và thâm nhập được vào thị trường này, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng ngành gỗ sang Nhật Bản vài tháng gần đây đã cải thiện rõ rệt.
Cơ hội lớn
Việc ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là bước đột phá xuất khẩu gỗ vào thị trường đầy tiềm năng này.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Phạm Văn Điển, cho biết: VPA/FLEGT tạo cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Thực thi Hiệp định, DN Việt phải có cách làm chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là yếu tố cấu thành giá trị ngành gỗ trong tương lai. Mặt khác, chúng ta còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm gỗ có giá trị cao. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ 1.400-1.800USD/m3, nếu áp dụng công nghệ cao, sẽ đạt 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm. Ngoài ra, Hiệp định còn đem đến cho ngành gỗ Việt thị trường vô cùng rộng lớn, không sợ ế hay bị ép giá.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền, cho biết: Đồ gỗ Việt đã được tiêu thụ tại 120 quốc gia, EU được coi là thị trường vô cùng quan trọng của gỗ Việt. Việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp sản phẩm gỗ Việt trực tiếp vào 28 quốc gia châu Âu mà không cần qua nước trung gian. Dự đoán vài năm nữa, kim ngạch xuất khẩu sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD lên trên 1 tỷ USD.
Theo ông Quyền, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sẽ mở ra 3 cơ hội lớn với ngành gỗ Việt. Thứ nhất, tất cả các dòng thuế có hiệu lực về bằng 0% - lợi thế rất lớn đối với DN.Thứ hai, thuế đối với nhập công nghệ và thiết bị giảm sẽ giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada... thuận lợi hơn, năng suất sẽ được cải thiện, giá trị sẽ tăng cao hơn. Thứ ba, được tiếp cận các đối tác lớn mạnh trên thế giới sẽ giúp DN Việt nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, từ đó sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), cho rằng: Việc ký VPA/FLEGT không những giúp Việt Nam mở rộng thị trường gỗ và sản phẩm gỗ, mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều nước khác. Hiện, không riêng EU có quy chế về gỗ hợp pháp, mà Mỹ còn có Đạo luật Lacey trước cả EU. Hoặc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc cũng đã ban hành luật sử dụng gỗ sạch.
Khi thực hiện Hiệp định, hệ thống pháp luật Việt Nam được cải thiện nhiều, từ đó, giúp ngành gỗ không những mở rộng thị trường EU mà còn sang nhiều thị trường khác, khả năng tăng trưởng 10-15%. Ngay cả khi Hiệp định chưa ký, các đơn hàng đã tăng lên, vì đối tác tin tưởng Việt Nam đã có cam kết thực hiện Hiệp định, trong đó Mỹ là thị trường đặc biệt.
Một thuận lợi trong xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ là những đối tác lớn khi mua hàng của chúng ta đã truyền lại cho DN Việt nhiều kinh nghiệm về các thị trường trên thế giới. Đó là, thị hiếu khách hàng, quy cách, khối lượng sản phẩm, thậm chí, họ còn hỗ trợ cả tài chính. Ví như, hãng sản xuất đồ nội thất Ikea (Thụy Điển) đã hỗ trợ Công ty Woodsland, Công ty CP Lâm sản Nam Định (Nafoco) kinh phí làm chứng chỉ rừng…
Thách thức nhiều
Theo một số chuyên gia, dù VPA/FLEGT mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu gỗ sang thị trường EU, song cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành gỗ Việt. Khi Hiệp định này đi vào thực thi, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các DN, kể cả DN không tham gia xuất khẩu, bởi Hiệp định yêu cầu và đề cao rất rõ tính minh bạch của nguyên liệu gỗ. Đây là điều từ trước đến nay chỉ đơn vị tham gia xuất khẩu mới quan tâm. Vì vậy, đòi hỏi DN phải sản xuất minh bạch hơn, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu Hiệp định.
Ông Quyền cho hay: Đối với VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải hợp pháp. Dù DN dùng nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu, vẫn phải đảm bảo hồ sơ, giấy tờ, chứng minh tính hợp pháp. Như vậy, DN phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kể cả chi phí cũng tăng lên.
Ngoài ra, DN Việt còn phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Phạm Văn Điển cho biết: “Về nguồn gốc gỗ nhập khẩu, chúng ta có gỗ từ Campuchia, nhưng đã giảm 3 - 4 lần, nguồn cung từ Nam Phi, Cameroon cũng đã giảm nhiều”.
Còn theo ông Quyền: Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Trung Quốc dự kiến thiếu khoảng 60 triệu mét khối gỗ. Do vậy, họ sẽ lùng sục để tìm mua tại các thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc này gây áp lực cho DN Việt rất lớn. Trong khi đó, các nước Myanmar, Campuchia, Lào… vẫn kiên định lập trường cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng trồng càng làm cho nguồn cung khan hiếm.
Đưa chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu thành ngành mũi nhọn
Đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “Đây là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam, đã được đánh dấu bằng cam kết đáng khen ngợi của Chính phủ và ngành chế biến gỗ khi tham gia cùng EU, trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Tôi rất vui mừng và tin tưởng cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến này sẽ sớm đạt được, khi EU và Việt Nam phê chuẩn VPA/FLEGT. Hy vọng, việc thực thi Hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại gỗ Việt vào EU. Hãy nhìn Indonesia - quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã đạt được bước cấp giấy phép FLEGT, tháng 11/2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép FLEGT của Indonesia giá trị trên 1,2 tỷ USD đã được xuất khẩu sang EU”.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đây là hành lang pháp lý giúp ngành lâm nghiệp có bước tiến cao hơn, là cơ sở để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Song, Việt Nam cần thấy rõ những thách thức, cơ hội khi hội nhập với thế giới. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần cụ thể hóa chính sách giao đất, khoán rừng, đồng thời giúp các chủ rừng sớm có chứng chỉ quản lý rừng để làm tốt hơn nữa việc quản lý, khai thác và sản xuất từ rừng; khuyến khích các hợp tác xã liên kết để xây dựng chứng chỉ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Từ tiềm lực hiện có và nhu cầu thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đặt mục tiêu cụ thể cho việc chế biến gỗ và lâm sản trong những năm tới như: Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện tại lên khoảng 10% vào năm 2025”.
Bộ Công Thương cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT để thúc đẩy ngành sản xuất chế biến gỗ. Ngành gỗ Việt cần kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp, vì thị trường chính là các nước phát triển, nơi người tiêu dùng quan tâm nhiều tới bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng để thực thi giải pháp truy xuất nguồn gốc gỗ bất cứ lúc nào. Ngành chế biến gỗ cần tuân thủ quy tắc xuất xứ, để đảm bảo gỗ xuất khẩu của ta là sản phẩm thực sự của Việt Nam.
Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ những thành quả đã đạt được, tôi giao Bộ Nông nghiêp và PTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản, sao cho trong 10 năm tới, phải trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu. Phấn đấu để Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, uy tín trên thế giới. Năm 2018, phải đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỷ USD; 2019 đạt 10 - 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 - 23 tỷ USD; 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD”.