Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực chững lại, có đáng lo?

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Kim ngạch xuất khẩu quý I/2019 có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng được xem là thế mạnh như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, hạt tiêu có xu hướng giảm đáng kể. Sự chững lại này có thực sự đáng ngại?

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng được xem là thế mạnh như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, hạt tiêu có xu hướng giảm đáng kể. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng được xem là thế mạnh như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, hạt tiêu có xu hướng giảm đáng kể. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Chững lại chỉ mang tính tạm thời

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2019 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I/2019 có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong quý I/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với quý I/2018 - thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có dấu hiệu chững lại khá rõ. Cụ thể, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 1,03 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2018 với sự sụt giảm của các mặt hàng như: than đá giảm 90,7%; xăng dầu giảm 7,6%, dầu thô giảm 3,5%...

Nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,59 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Số liệu thống kê ghi nhận, kim ngạch xuất khẩu 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng như: thủy sản giảm 1,4%; rau quả giảm 8,6%; cà phê giảm 23,8%; gạo giảm 23,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,6%. Xét về giá, trong quý I, giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018 như: nhân điều giảm 20,9%; cà phê giảm 10%; hạt tiêu giảm 28%; gạo giảm 13,7%; cao su giảm 10,9%.

Lý giải về sự chững lại của nhóm nông, lâm, thủy sản, Bộ Công Thương cho rằng, nông sản là mặt hàng có tính mùa vụ. Thông thường, những tháng đầu năm, đặc biệt quý I chưa phải là thời điểm và mùa vụ xuất khẩu. Cùng với đó, tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng… cũng tác động làm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm mạnh.

Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, mặc dù xuất khẩu quý I vẫn duy trì đà tăng, song so với quý I/2018, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện (mặt hàng có kim ngạch cao nhất nước ta) lại giảm 4,3%, đạt 12,05 tỷ USD. Nhận xét về nhóm mặt hàng này, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, sự sụt giảm của xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong quý I chỉ mang tính tạm thời, do sản phẩm Galaxy S9 của Samsung đi vào giai đoạn cuối chu kỳ sản xuất, tác động chung lên kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng xuất khẩu sẽ hồi phục từ quý II?

Dự báo về xuất khẩu của Việt Nam trong 3 quý còn lại của năm 2019, TS. Đặng Đức Anh nhận định, xuất khẩu sẽ hồi phục. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8 - 10% năm 2019 là khả thi. Riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện, chuyên gia này cho rằng sẽ lấy lại đà tăng trưởng, bởi các đánh giá cho thấy, sản phẩm điện thoại Galaxy S10 của Samsung (ra mắt giữa tháng 3/2019) có sức cạnh tranh khá tốt, nhiều khả năng sản lượng tiêu thụ sẽ rất lớn.

Ở trong nước, nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng. CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 cũng đang tạo cơ hội nhất định đối với xuất khẩu của một số mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế so sánh như: Dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ… Hơn nữa, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang có những diễn biến theo chiều hướng có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các dự báo cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối diện với một số khó khăn, thách thức có thể tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt mới đây lưu ý, quý I, xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện giảm mạnh, trong khi đây là hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu tình hình này không được cải thiện, cán cân thương mại của Việt Nam đứng trước nguy cơ chuyển từ thặng dư sang thâm hụt.

Nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số mặt hàng và một số doanh nghiệp chủ yếu cho thấy những yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu chưa thực sự vững chắc.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cũng như giảm thiểu tác động tới xuất khẩu, trung tuần tháng 3/2019, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình thế giới để chủ động trong khâu điều hành, có biện pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường kết nối doanh nghiệp xuất khẩu; tập trung phát triển dịch vụ logistics…