Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỷ USD

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Năm 2021, ước kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. 

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể đạt 50 tỷ USD nếu …

Đại dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển hàng hóa đi các nước tăng rất cao, như đi châu Âu tăng gấp 10 lần, sang Mỹ tăng gấp 13 lần, nhưng với thị trường Trung Quốc nhờ thuận lợi về mặt địa lý nên chi phí vận chuyển sang đây chỉ tăng khoảng 0,3 lần. Chi phí logistics tăng cao đã kéo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người nông dân nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt.

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời tiết năm nay được cho là khá thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cũng như các ngành khác, ngoài việc phải đối mặt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi thường xuyên xuất hiện thì ngành còn gặp khó khăn lớn nhất là đại dịch COVID-19, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Song, đến cuối năm hầu hết các chỉ tiêu ngành đều đạt được, có chỉ tiêu đạt rất cao. Các ngành hàng đều có sự tăng trưởng, góp phần đưa tăng trưởng toàn ngành dự kiến đạt 2,8% và kết quả là giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục với trên 48,6 tỷ USD.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỷ USD, nhưng suốt thời gian dài ngành nông nghiệp vẫn còn đó nhiều bất cập từ nội tại đến thị trường xuất khẩu mà trong một thời gian ngắn khó có thể khắc phục.

Tại thị trường Trung Quốc, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên nước này tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và phương tiện nhập cảnh, thực hiện lấy mẫu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển bằng container lạnh và cả container thông thường qua biên giới, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan gây ùn tắc tại cửa khẩu nhập khẩu dẫn đến phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Theo tỉnh Lạng Sơn với khoảng 5.000 xe chở hàng đang nằm ngoài biên giới 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, mỗi xe chở 20 tấn hàng nếu tất cả khối lượng hàng hóa này không xuất khẩu được Việt Nam bị tổn thất trên 2.000 tỷ đồng. Nếu biên giới Trung Quốc không bị ách tắc thì kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể cán mốc 50 tỷ USD.

Bên cạnh khó khăn những khó khăn tại biên giới Trung Quốc thì hiện nay nông sản Việt chỉ chiếm 1% nhu cầu trong tỷ trọng nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) dù có sự hỗ trợ tốt từ hiệp định EVFTA.

Nông sản Việt chỉ chiếm 1% nhu cầu trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của EU

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, có một thực tế là nông sản Việt chỉ chiếm 1% nhu cầu trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở các cửa hàng người gốc á là chủ yếu, và đang rất rụt rè ở các phân khúc nhỏ chứ chưa đưa vào hệ thống phân phối chính quy, chỉ khi nào đưa nông sản vào đây mới có sức lan toả cả chuỗi hệ thống trong một quốc gia hoặc cả EU, và khi đó sẽ định hình, định danh được thương hiệu một nông sản của một quốc gia. 

Nếu chỉ một vài chuyến hàng của vài doanh nghiệp mà vội nói rằng nông sản Việt đã chiếm lĩnh được thị trường khó tính nhất là chưa đúng. Muốn vậy, nông sản Việt Nam cần phải có chiến lược hẳn hoi và phải mất nhiều năm nữa mới làm được. 

Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng đã đến lúc ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, và sản xuất nông nghiệp không dừng lại là một ngành kinh tế nữa mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa xã hội. 

Và để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, cần có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp trong đó rất cần thay đổi tư duy và tri thức làm nông nghiệp của người nông dân, Bộ NN-PTNT đang dự thảo “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050” và đang tham vấn với các tổ chức quốc tế để vào cuối năm trình Chính phủ.  

Nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”

Tại hội thảo tham vấn “Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” (Dự thảo), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại hai vấn đề lớn đó là, phát triển dựa trên đơn ngành; sử dụng nhiều đất đai, nhiều phân bón, vật tư nông nghiệp thay vì sử dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. 

Ngành nông nghiệp muốn phát triển bền vững cần chuyển đổi tư duy và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. 

Những năm gần đây GDP đóng góp của ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo khiến thu nhập của người nông dân không đồng bộ với sự tăng trưởng của ngành.

Hai là, thị trường hiện không chỉ mua nông sản dựa trên giá cả mà dựa trên nhiều giá trị khác như: Không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính người nông dân… do vậy, ngành nông nghiệp cần định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng nông sản. 

Với định hướng dài hạn, Bộ NN-PTNT đang hoàn chỉnh Dự thảo theo hướng vừa mang tính kế thừa những thành tựu đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, tư tưởng mới, xu thế mới, giá trị mới phù hợp với bối cảnh mới, xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”; “nông thôn hiện đại” và “nông dân thông minh”. 

Ba trụ cột này cùng hướng đến mục tiêu xây dựng nông nghiệp Việt Nam trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch – trách nhiệm – bền vững” cho thị trường trong nước cũng như trên thế giới.