Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản: Sẽ vượt mức 31 tỷ USD?
Sự lên ngôi của hàng loạt các mặt hàng như rau quả, thủy sản, cà phê, hạt điều… đã giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản năm 2016 dự kiến lần đầu vượt mức 31 tỷ USD.
Lấy lại đà tăng
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 11/2016 đạt 2,69 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng đạt 29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đà này, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lần đầu vượt mức 31 tỷ USD là con số trong tầm tay.
Theo Bộ Công Thương, vượt qua đà giảm của năm 2015 (11 tháng năm 2015 giảm 7,6%), năm 2016, nhóm hàng nông, thủy sản đã quay trở lại “đường đua” khi có mức tăng trưởng khả quan. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều có mức tăng trưởng khá về lượng xuất khẩu
. Cụ thể, các mặt hàng cà phê, hạt tiêu, nhân điều có lượng tăng hơn 30%; thủy sản tăng 7,5%... Chỉ có 2 mặt hàng trong nhóm có lượng xuất khẩu giảm là gạo (24,2%) và sắn (11,4%) với nguyên nhân chủ yếu do một số thị trường xuất khẩu chính sụt giảm.
Mặt hàng thủy sản có mức tăng khá so với cùng kỳ (7,5%) nhờ sản lượng thủy, hải sản tăng trưởng tốt, tình hình thời tiết thuận lợi cho tôm phát triển, giá cá tra đã tăng trở lại do nhu cầu nhập khẩu cá tra từ thị trường Hoa Kỳ, EU, và Trung Quốc tăng…
Nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu
Mặc dù có mức tăng trưởng về lượng tương đối cao nhưng nhìn chung, do giá nông sản thế giới vẫn ở mức thấp nên nhóm nông - lâm - thủy sản đang không được lợi về giá. Hàng loạt mặt hàng có giá giảm như cà phê, chè, sắn… khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm hàng không cao như kỳ vọng.
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản được đánh giá còn nhiều tiềm năng trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực giúp mở cửa nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ dựng lên nhiều rào cản phi thương mại để bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Do đó, doanh nghiệp được khuyến cáo đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Về phía Bộ Công Thương, các giải pháp như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phổ biến thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực… đang được tích cực triển khai. Ngoài các giải pháp chung cho cả nhóm, Bộ Công Thương còn có nhiều giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng. Đơn cử, với thủy sản, tiếp tục theo dõi sát và vận động Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn.
Đồng thời tiếp tục đôn đốc Cục Giám sát, Kiểm tra chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) thực hiện các biện pháp đã trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Tổng cục trưởng AQSIQ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản.
Riêng với mặt hàng gạo, sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, rà soát thực hiện tốt các thỏa thuận của Chính phủ về thương mại gạo với một số nước; tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường mới, thị trường tiềm năng. Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực công nghệ và thương mại quốc tế để tham gia vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu; tham gia mạng lưới sản xuất, phân phối gạo và các sản phẩm từ gạo ở nước ngoài…
Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết bản ghi nhớ tăng cường phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông - lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020. Với bản ghi nhớ này, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.