Xuất khẩu nông sản đón nhiều tin vui
Xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm ước đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời đón nhiều tin vui về cơ hội mở rộng thị trường.
Xuất siêu 5,1 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước 18,1 tỷ USD, giảm 0,3%. Như vậy nông sản xuất siêu gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Mỹ; Trung Quốc và Nhật Bản.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực phối hợp tổ chức và tham gia hỗ trợ các địa phương, ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử, lễ hội trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La; phối hợp với các địa phương xúc tiến kết nối tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch như vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, xoài Sơn La... Cùng với đó, các cơ quan chức năng tập trung đàm phán, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo và bưởi sang Australia; chôm chôm, vú sữa, na, bưởi, sắn lát, đường, sữa sang Thái Lan; chanh, bưởi sang New Zealand; yến sào, sản phẩm lông vũ, bột cá sang Trung Quốc...
Mới đây, ngành nông nghiệp tiếp tục đón nhận tin vui khi nhận được thông báo về việc Mỹ hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam. Như vậy, bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Trước đó, chỉ riêng 6 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa đã mang về kim ngạch khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Hiện, nhiều địa phương trọng điểm trồng bưởi da xanh của đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp và nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Mỹ.
Hay với vải thiều, tỉnh Bắc Giang cho biết, trong tháng 6, các đoàn thương nhân Trung Quốc sẽ đến khảo sát, đàm phán, thu mua. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước đạt khoảng 180.000 tấn, dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc 95.000 tấn.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.
Cùng với đó là chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đi EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chuyên gia Nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, dù con đường xuất khẩu nông sản đang rộng mở, nhưng cũng có nhiều thách thức như những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, xu hướng giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, theo ông Hoàng Trọng Thuỷ, cần theo hướng lấy cao bù thấp, tức là đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả và thủy sản để bù đắp cho những mặt hàng xuất khẩu thấp. Đồng thời, mở rộng đàm phán song phương với các nước trong khối RCEP, EU để xác định cung cầu thị trường, thực hiện kế hoạch thu hoạch, vận chuyển, giao hàng, thanh toán tốt hơn.
Trên cơ sở kết quả đàm phán cần thông tin kịp thời, minh bạch để các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng có sự chủ động. Cùng với đó, nâng cao khả năng lưu trữ bảo quản các mặt hàng và chủ động trong mọi tình huống để không bị ép giá.
“Năm nay thời tiết dự báo sẽ rất bất thường, bà con cần có những biện pháp bảo vệ nông sản, trách tác động tiêu cực nhất của thời tiết, như vậy sẽ đem lại kết quả tốt cho xuất khẩu”, ông Thủy khuyến cáo.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, khi các thị trường đều đề ra nhiều tiêu chuẩn cao, yêu cầu chặt chẽ, muốn xuất khẩu bền vững và lâu dài doanh nghiệp phải chú ý đến tiêu chuẩn chất lượng bên cạnh số lượng.
Cùng với đó, nhanh chóng tạo các chuỗi liên kết, có sự tôn trọng hợp đồng, chứ không phải kiểu “mỳ ăn liền” vụ nào theo vụ đó, năm nào theo năm đó. Ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao để xuất khẩu nông sản đạt kết quả tốt nhất.