Giải bài toán logistics cho hàng nông sản của đồng bằng sông Cửu Long

Theo Nguyệt Đỗ/Báo Đồng Tháp

Hạ tầng logistics yếu kém làm mất lợi thế cạnh tranh của nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chi phí logistics trong ngành nông sản ĐBSCL chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này của Thái Lan chỉ 12,5%, thế giới là 14%. Việc kéo giảm chi phí logistics chính là đòn bẩy để tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản của vùng.

Thúc đẩy thu hút đầu tư dịch vụ logistics góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyệt Đỗ
Thúc đẩy thu hút đầu tư dịch vụ logistics góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyệt Đỗ

Điểm nghẽn hạ tầng - chi phí logistics cao

Vùng ĐBSCL có hệ thống đường thủy nội địa trên 14.800km với 4 tuyến kết nối nội vùng, 5 tuyến kết nối với vùng Đông Nam bộ, 2 tuyến kết nối với nước bạn Campuchia. Trong đó, hai tuyến đường thủy huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 12 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy. Tuy nhiên, hạn chế chính hiện nay là sự phân tán, quy mô nhỏ lẻ của hệ thống cảng, các phương thức vận tải chưa đồng bộ, năng lực các cảng còn yếu, lượng hàng hóa qua các cảng của vùng hàng năm rất thấp, còn lại 70-80% phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực Đông Nam bộ bằng đường bộ. Thực trạng này làm tăng chi phí giá thành sản phẩm, trong khi đó, có 1/3 chuyến xe tải sau khi giao hàng thì quay về bằng xe không.

Theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa thông qua của ĐBSCL đạt từ 45 - 50 triệu tấn/năm. Số lượng container khoảng 500.000 container/năm. Tuy nhiên, thực tế cảng biển ĐBSCL trong những năm gần đây mới đạt được 50% số liệu này. Cụ thể, năm 2019 đạt 21 triệu tấn, năm 2020 đạt 22,9 triệu tấn, năm 2021 số lượng hàng hóa có giảm xuống do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 21 triệu tấn/năm.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tổng số lượng doanh nghiệp logistics tại 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL chiếm chưa tới 5% số lượng doanh nghiệp logistics cả nước, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt doanh nghiệp nông nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của nông sản.

Vừa qua, tại diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Cần Thơ tổ chức, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kết cấu hạ tầng logistics ở ĐBSCL còn những mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng logistics và phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics là nhu cầu cấp bách.

ĐBSCL là vựa nông sản chủ lực của cả nước. Thế nhưng, sức cạnh tranh của nông sản trong vùng đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics cao và bất hợp lý. Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu dẫn chứng, ở Thái Lan nông sản cạnh tranh hơn nước ta vì có sự hỗ trợ chi phí logistics từ Nhà nước.

Khai thông nguồn lực

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng. Sự xuất hiện của những mặt hàng lúa gạo, trái xoài, bưởi... của ĐBSCL trên kệ các siêu thị lớn trên thế giới là những đại sứ thương hiệu đầu tiên cho các sản phẩm Việt Nam khi xâm nhập thị trường thế giới.

Để mở rộng sự hiện diện của sản phẩm ĐBSCL, cần phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL một cách tương xứng. Hàng năm, số lượng hàng hóa xuất khẩu khu vực ĐBSCL khoảng 20 triệu tấn, phần lớn là hàng nông, thủy sản. Do đó, việc giảm chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản cần hoàn thiện chuỗi cung ứng logistics và liên kết phát triển vùng gắn với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đó, trước tiên, cần hoàn thiện các tuyến cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành - Vũng Tàu. Về lâu dài, cần sớm nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt kết nối. Tiếp đến cần phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản xuất khẩu bằng đuờng thủy nội địa và đường biển. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích cụ thể của từng địa phương. Đặc biệt là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tạo dựng dây chuyền kho nông sản, đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, quy trình sơ chế - xử lý và kiểm tra chất lượng, chiếu xạ hoa quả được tiến hành tại chỗ... cũng là yếu tố rất quan trọng.

Theo PGS., TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, việc thực hiện xây dựng 8 trung tâm đầu mối (TTĐM) trong đó 1 TTĐM có chức năng tổng hợp ở TP Cần Thơ; 4 TTĐM cấp vùng: Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; 3 TTĐM có chức năng chủ yếu liên quan đến logistics ở các tỉnh: Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng theo như Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 góp phần đáng kể cải thiện năng lực phát triển kinh tế, vừa thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Trong đó, ĐBSCL cần có chiến lược phát triển hệ thống các TTĐM về nông nghiệp, thủy sản gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng. Đây còn là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm thế mạnh của vùng.

Ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mỗi tháng, Công ty Hùng Cá cần vận tải trung bình từ 400 - 700 container xuất khẩu từ Đồng Tháp lên các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu và nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào ở chiều ngược lại. Hiện tại, doanh nghiệp không chỉ gánh mức chi phí vận tải hàng hóa rất lớn mà còn tiêu tốn nhiều thời gian bởi hệ thống đường bộ chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Tuy nhiên, khi hệ thống cao tốc và các cầu được hoàn thành đầu tư sẽ giúp Công ty Hùng Cá rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí vận tải thủy sản xuất khẩu tới các cảng biển. Cụ thể, khi hình thành xong các tuyến cao tốc tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, công ty có thể tiết kiệm ít nhất 20% chi phí vận tải, tương đương vài tỷ đồng mỗi tháng. Đồng thời, các đơn hàng xuất khẩu của công ty sẽ được luân chuyển nhanh hơn, tăng hiệu quả kinh doanh và doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư cho người dân nuôi trồng thủy sản.