Xuất khẩu: Nốt trầm trong bản nhạc vui
(Tài chính) Các chỉ số thống kê trong các năm 2005, 2010, 2013 cho thấy, bản trường ca xuất khẩu đã tạo ra những dấu ấn quan trọng cả về quy mô, tốc độ và cơ cấu hàng hóa. Tuy nhiên bên cạnh giai điệu tươi vui, vẫn còn những “nốt trầm” trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ.
Sôi động xuất khẩu công nghệ cao
Xuất khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn và ngày một tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (năm 2005 chiếm 88,4%, năm 2010 chiếm 90,6%, năm 2013 chiếm 92,6%). Năm 2013 so với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao gấp gần 4,1 lần, bình quân 1 năm tăng tới gần 19,2%.
Đây là tốc độ tăng rất cao, không phải thời kỳ nào và không phải ngành, lĩnh vực nào có thể đạt được. Không chỉ đạt được kết quả nổi bật về quy mô, về tốc độ tăng, xuất khẩu hàng hóa còn có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu hàng chế biến hoặc đã tinh chế, nếu năm 2005 mới đạt 16346 triệu USD, năm 2010 đạt 47049 triệu USD, thì đến năm 2013, con số này ước đạt 89338 triệu USD. Như vậy, so với năm 2005, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu hàng chế biến hoặc đã tinh chế đã cao gấp gần 5,5 lần, bình quân 1 năm tăng gần 23,7%, cao hơn tốc độ tăng chung và cao hơn nhiều tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ chế.
Đáng phấn khởi là, trong nhóm hàng hóa chế biến hoặc tinh chế, tỷ trọng nhóm hàng gia công có xu hướng giảm, còn tỷ trọng nhóm hàng có kỹ thuật công nghệ cao gia tăng. Với sự xuất hiện và gia tăng nhanh chóng kim ngạch của các mặt hàng, như: Máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị; dụng cụ, phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng…
Bên cạnh đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ đã giảm dần theo thời gian: Năm 2005 đạt 43,9%, năm 2010 còn khoảng 31,6; năm 2013 ước còn 30%.
Một điểm chú ý khác là trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2014, tỷ trọng hàng công nghiệp tăng, hàng nông, lâm nghiệp- thủy sản giảm. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong quý I/2014 ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, bằng 2/3 tốc độ tăng (14,1%) của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp đạt gần 26,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng chung và cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản.
Nốt trầm trong xuất khẩu dịch vụ
Về xuất khẩu dịch vụ có một số điểm đáng lưu ý. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đã tăng gần như liên tục qua các năm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ trong thời kỳ 2006-2013 đạt 11,9%/năm, cao gấp rưỡi tốc độ tăng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra trong thời gian tương ứng (7,18%/năm).
Trong các khoản của xuất khẩu dịch vụ (du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ chính phủ và dịch vụ khác) xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng với tốc độ cao nhất (tăng 16%/năm) và gấp rưỡi tốc độ tăng tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Kim ngạch dịch vụ du lịch còn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và không ngừng tăng lên (năm 2005 chiếm 53,9%, năm 2010 chiếm 59,7%, ước năm 2013 chiếm 71,7%).
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng trong lĩnh vực xuất/nhập khẩu dịch vụ cũng có một số vấn đề. Quy mô xuất khẩu dịch vụ vẫn còn nhỏ bé. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ còn thấp và giảm xuống (từ 11,6% năm 2005, xuống còn 9,4% năm 2010, còn 7,7% năm 2012 và còn 7,4% năm 2013). Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu dịch vụ/GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra còn thấp và giảm xuống (từ 19,7% năm 2005 xuống còn 17,8% năm 2010 và ước còn 14,2% năm 2013). Tỷ lệ này trong năm 2013 của xuất khẩu dịch vụ thấp xa so với tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP (77,1%).
Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ vận tải trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ còn thấp và giảm xuống tương đối nhanh (giảm từ 30,9% năm 2010 xuống còn 25,6% năm 2011, xuống còn 21,5% năm 2012 và năm 2013 ước còn 20,9%).
Trong xuất/nhập khẩu dịch vụ vận tải, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn và tăng lên (từ 1.023 triệu USD năm 2005, lên 4.290 triệu USD năm 2010, lên 5.999 triệu USD ước năm 2013). Tỷ lệ nhập siêu dịch vụ vận tải so với kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vận tải năm 2005 ở mức 87,7%, năm 2010 ở mức 186%, năm 2011 ở mức 269,4%, năm 2012 ở mức 321% và ước năm 2013 ở mức 316,4%).
Trong điều kiện khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng, nhưng thị phần vận tải của Việt Nam đảm nhận không những không tăng tương ứng mà có năm còn giảm lớn, phần nhiều rơi vào tay các đơn vị vận tải của nước ngoài.
Đây là một cảnh báo quan trọng không chỉ làm cho cán cân xuất/nhập khẩu dịch vụ bị mất cân đối, mà còn tác động đến cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam.
Các dịch vụ còn lại như dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chính phủ, dịch vụ khác... kim ngạch xuất khẩu còn rất nhỏ bé và Việt Nam vẫn ở vị thế nhập siêu. Mức nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ở mức khá cao và tăng lên (nếu năm 2005 tương ứng là 185 triệu USD và 4,3%, thì năm 2010 là 2.461 triệu USD và 33%, năm 2011 là 3.168 triệu USD và 36,5%, năm 2012 là 2.900 triệu USD và 30,1%, ước năm 2013 là 2.700 triệu USD và 25,7%).
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển, kể cả của các nước mới nổi và của Việt Nam cho thấy, việc tập trung cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa- thậm chí trở thành công xưởng của thế giới- đang được xem xét lại. Xuất khẩu hàng hóa và xuất siêu về hàng hóa sẽ bị giảm ý nghĩa, nếu lại nhập siêu lớn và ngày một tăng về dịch vụ. Các nước phát triển đang nhập, thậm chí nhập siêu rất lớn về hàng hóa để được hưởng giá cả rẻ, hưởng chênh lệch cánh kéo tỷ giá, hưởng giá nhân công rẻ, chuyển ô nhiễm trực tiếp ra nước ngoài... trong khi đó lại xuất siêu lớn về dịch vụ vận tải, tài chính, bảo hiểm, cho vay đầu tư (cả trực tiếp, cả gián tiếp, cả dưới dạng hỗ trợ chính thức)... Tình hình trên diễn ra trong điều kiện các nước đang phát triển mở cửa ngày một sâu, rộng hơn đối với kinh tế nói chung và đối với lĩnh vực dịch vụ nói riêng.