Xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới
Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) và nhiều doanh nghiệp, trong những tháng cuối năm, nếu xuất khẩu rau quả vẫn giữ ổn định, ngành hàng này sẽ lập kỷ lục mới với kim ngạch 5,7 - 5,8 tỷ USD.
Hết tháng 10, xuất khẩu rau quả đạt 4,9 tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9.2023, xuất khẩu rau quả đạt con số cao kỷ lục 667,5 triệu USD; tăng gần 44% so với tháng trước. 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Việt Nam xuất khẩu rau quả chủ yếu sang Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong top 5, chỉ có Mỹ giảm 4% so với cùng kỳ 2022, các thị trường còn lại đều tăng cao.
Cụ thể, 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc chiếm 65,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 159,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%.
Về các mặt hàng, sầu riêng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 55% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh từ 45 - 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính xuất khẩu rau quả trong tháng 10 sẽ đạt trên 699 triệu USD, tăng gần 5% so với tháng 9.2023. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,9 tỷ USD; tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương con số tăng tuyệt đối là 2,16 tỷ USD. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tổng thư ký VINAFRUIT Đặng Phúc Nguyên cho rằng, ngành rau quả xuất khẩu tốt hơn các năm trước nhờ nỗ lực mở cửa thị trường và công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Song hành với cơ quan quản lý nhà nước, người dân cũng nỗ lực để cải tiến chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn từ nhiều thị trường.
Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, Trung Quốc đang là thị trường trọng yếu của Việt Nam, với hơn 1 tỷ dân và có sức tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, cùng với những điều kiện xuất khẩu chính ngạch đã giúp sản phẩm rau quả Việt Nam bùng nổ.
Mặt hàng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm nay có thể đạt 2 tỷ USD. Riêng với T&T, các đơn hàng xuất khẩu qua các nước và Trung Quốc vẫn khá thuận lợi, doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng hơn 40%.
Bảo đảm chất lượng để giữ được thị trường
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, những tháng cuối năm xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, bởi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường tăng cao.
Còn theo tính toán của VINAFRUIT, dự kiến 2 tháng cuối năm 2023, sầu riêng sẽ vào cuối mùa vụ, những mặt hàng khác vẫn tăng trưởng nhưng không ồ ạt. Vì vậy, kim ngạch ước tính hai tháng cuối năm sẽ đạt 700 - 800 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 lên 5,7 - 5,8 tỷ USD.
"Bước sang năm 2024, mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD của ngành sẽ trong tầm tay", ông Đặng Phúc Nguyên nhận định. Theo đó, dù các thị trường, trong đó có Trung Quốc ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng ta vẫn đảm bảo được chất lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hàng rất đa dạng như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bưởi… nếu sang năm đàm phán xuất khẩu chính ngạch có kết quả tốt thì có thể tăng lượng xuất khẩu. Đặc biệt, nếu sản phẩm dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch thì tương lai sẽ góp mặt vào những ngành xuất khẩu tỷ USD.
Vào cuối tháng 9/2023 vừa qua, Trung Quốc đã có công hàm gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết đã chuẩn bị xong các điều kiện có liên quan để công bố mở rộng cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị Quan, Quảng Tây đến 2 lối mở Pò Chải và Lũng Nghịu, đây cũng là cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào nước này.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1199/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, tuyến biến giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ có 26 cửa khẩu (14 quốc tế, 12 song phương). Đây là những điều kiện cần và đủ để xuất khẩu rau quả lập thêm nhiều kỷ lục mới.
Tuy nhiên, đại diện VINAFRUIT cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn các thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần tăng cường phối hợp với nước bạn để tiếp tục mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn cho các mặt hàng rau quả, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm đối tác lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, so với các nước, Việt Nam đang có ưu thế gần Trung Quốc, nên xuất khẩu đường bộ và đường biển chi phí sẽ thấp hơn nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải tăng cường cải thiện chất lượng, mẫu mã để hàng Việt có thương hiệu tốt, không mất thị phần tại thị trường lớn như Trung Quốc.