Xuất khẩu sang ASEAN: 5 năm lại tăng gấp đôi
(Tài chính) Thông cáo báo chí của Bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN stats) ngày 16-10 đưa ra nhận định: ASEAN luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong những năm vừa qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, và ấn phẩm chuyên đề “Cộng đồng ASEAN qua những con số năm 2014” (ACIF 2014), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2013 đạt 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012.
So với các nước ASEAN, xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tương đối ổn định và cao hơn nhiều so với mức tăng chung của khu vực ASEAN.
Trong năm 2013 đã có 22 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2013" - ASEAN stats đánh giá.
Đánh giá về thị trường ASEAN, ASEAN stats cho rằng: ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là động lực giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong nhiều năm qua.
Năm 2013, thương mại hai chiều ASEAN và Việt Nam đạt 39,7 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2012 và chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
ASEAN luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong những năm vừa qua.
Xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN năm 2000 mới đạt 2,6 tỷ USD thì năm 2005 đạt trên 5,7 tỷ USD, năm 2010 đạt 10,4 tỷ USD - tức là cứ sau 5 năm lại tăng gấp đôi - và năm 2013 đạt 18,4 tỷ USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN năm 2013 cũng có nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Nếu như điện thoại các loại và linh kiện, sắt thép các loại tăng trưởng khá cao, thì Việt Nam lại đang mất dần thị trường truyền thống này đối với một số loại hàng hoá như gạo, cà phê, xăng dầu...
Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng 5,7% trong năm 2013 nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm lại và thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 27,6 % của năm 2012 và 31,7% của năm 2011.
ASEAN stats cho rằng: Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN năm 2013 vẫn còn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm lực của Việt Nam.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 sẽ được hình thành. Đây là cơ hội song cũng là thách thức cho doanh nghiệp Việt.
Tại Diễn đàn hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong 2014 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế Asean 2015- Cơ hội và thách thức” ngày 17-10, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: Thách thức của hội nhập kinh tế là vấn đề cạnh tranh của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó trên thị trường nội địa và khó có cả năng vươn ra chiếm lĩnh trên thị trường các nước thành viên ASEAN khác, thậm chí có nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.
Doanh nghiệp năng lực kém sẽ không được chọn để tham gia các khâu có lợi nhuận cao của chuỗi cung ứng, chỉ có thể tham gia các công đoạn gia công. Người lao động trình độ thấp sẽ khó vươn lên các vị trí quản lý hay trở thành các chuyên gia có mức lương cao.
Ông Vũ Văn Chung nhận định: Việc hình thành AEC 2015 sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài ASEAN quan tâm và tham gia vào một số địa bàn mới nổi như: Myanmar, Lào, Campuchia... Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mới trên các địa bàn này.