Xuất khẩu sẽ đạt kỳ tích mới trong năm 2018?
Hai tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 1,08 tỷ USD với nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá. Cơ cấu nhập khẩu vẫn theo xu hướng tích cực phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Với đà này, nhiều dự báo đưa ra gần đây cho thấy, xuất khẩu có thể đạt được kỳ tích mới trong năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2018 cho thấy nhiều tín hiệu khả quan đối với hoạt động xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng ước tính đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,66 tỷ USD, tăng 25,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,96 tỷ USD, tăng 21,8%.
Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 20 tỷ USD, cao hơn 1,2 tỷ USD so với ước tính. Tuy nhiên, bước sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,4 tỷ USD, giảm hơn 30% so với tháng 1 nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia lý giải chủ yếu do ảnh hưởng của tâm lý nghỉ dài ngày trong dịp Tết Nguyên đán.
Về giá xuất khẩu, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều giữ được giá ổn định ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 6,6 tỷ USD, tăng 41,7%; dệt may đạt 4,3 tỷ USD, tăng 22,3%... Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6 tỷ USD, tăng 14%…
Cùng chung xu thế trên, báo cáo tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các địa phương, nhất là hoạt động xuất khẩu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng có những diễn biến tích cực.
Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, ước tính 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố đạt 2,095 tỷ USD, tăng 25,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Còn tại TP.HCM, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 2 tháng đạt 5,3 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ 2017.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm có tăng so cùng kỳ năm trước nhưng cơ cấu hàng hóa nhập khẩu vẫn theo xu hướng tích cực là chủ yếu phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 1,08 tỷ USD.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ xuất khẩu
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cũng như thông tin từ các hiệp hội ngành hàng, năm 2018 vẫn là một năm nhiều thuận lợi với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Chung nhận định này, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018. Trước hết là những tín hiệu tích cực trong quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới. Cùng với đó là dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước cũng góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu.
TS. Đặng Đức Anh, chuyên gia thuộc NCIF nhìn nhận, trong tháng 2/2018, chúng ta cũng đón nhận những tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu. Đó là dự kiến vào ngày 8/3 tới đây, 11 nước thành viên sẽ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng được cắt giảm tới hơn 5.535 dòng thuế về mức 0%, chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu đầu vào như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử…, từ đó có thể tác động làm giảm chi phí sản xuất cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Với đà này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ dự cảm, chắc chắn cơ hội xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ tốt hơn.