Xuất khẩu và nhập siêu tiếp tục khả quan

Theo chinhphu

Tháng 7 là tháng thứ ba liên tiếp các chỉ số xuất nhập khẩu được duy trì ở mức khá tốt. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, nhập siêu xuống dưới ngưỡng 20% Quốc hội đã thông qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục vượt 6 tỷ USD, nhập khẩu vượt 7 tỷ USD và nhập siêu dưới ngưỡng 1 tỷ USD.

Cơ cấu xuất nhập khẩu dịch chuyển

Điểm đáng chú ý trong diễn biến xuất, nhập khẩu tháng 7 là kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý giảm tới 97% so với tháng trước. Tiếp theo là quặng và khoáng sản giảm 62,7%, dầu thô 43%; than đá 20,5%...
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản (trừ sắn) tiếp tục tăng hơn tháng trước. Trong đó,  các mặt hàng nông sản chính đạt 5,35 tỷ USD, tăng 8,06%, thuỷ sản đạt 2,45 tỷ USD và tăng 11,63%, lâm sản là 1,91 tỷ USD, tăng tới 31,41% so với cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chiếm gần 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm.

Sự tăng trưởng về giá trị kim ngạch như trên chủ yếu đạt được do giá xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cà phê, chè, gạo, cao su và sắn giảm về lượng.

Về phía nhập khẩu, có đến 1/2 trong tổng số 43 mặt hàng được liệt kê giảm về kim ngạch so với tháng trước, có những mặt hàng giảm khá mạnh như phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 57,1%, sắt thép giảm 12,4%, thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 12,2%, vải các loại giảm 5,1%...

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu phân bón đã tăng 88,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 15,7%, bông các loại tăng 5,5%, máy tính điện tử và linh kiện tăng 6,1%, ô tô nguyên chiếc tăng 7,7%... bù lại ít nhiều sự sụt giảm của các mặt hàng kể trên.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 38,52 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ và bằng 63,1% kế hoạch cả năm; kim ngạch nhập khẩu đã đạt gần 45,78 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ và bằng 61,9% kế hoạch cả năm.

Như vậy, nhập siêu đến thời điểm cuối tháng 7 đã đạt 7,26 tỷ USD, bằng 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, chỉ tiêu này xuống dưới ngưỡng mục tiêu 20% mà Quốc hội đã thông qua.

Tiếp tục điều tiết, cân đối những tháng cuối năm

Mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng nhưng cán cân nhập siêu vẫn đang được giữ ở mức chỉ tiêu cho phép, song theo Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, vẫn cần có  những biện pháp hợp lý và kịp thời để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu cũng như khống chế nhập siêu.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu cho rằng, theo quy luật, từ tháng 8 đến hết năm, kim ngạch nhập khẩu thường tăng cao trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu đã tới ngưỡng nên việc đảm bảo được mục tiêu nhập siêu là bài toán không dễ giải.

Bởi vậy, trong những tháng cuối năm cần có sự điều tiết, cân đối sao cho phù hợp trong việc nhập khẩu những mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu sản xuất như sắt thép, thức ăn chăn nuôi, phân NPK…  mà không ảnh hưởng tới chỉ số giá.

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Thành Biên thì chỉ rõ, thách thức cuối năm cho hoạt động xuất khẩu nằm ở khu vực các mặt hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến.

Nhu cầu nhập khẩu những tháng cuối năm là rất lớn nên các ngành hàng, tổng công ty cần cân đối, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm tra giám sát những mặt hàng nhập khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Vụ Xuất nhập khẩu cần phối hợp với Tổng cục Hải quan bổ sung thêm những mặt hàng cần cấp giấy phép tự động nhập khẩu, nhất là những mặt hàng không cần nhập khẩu.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, cần thúc đẩy xuất khẩu để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% cả năm nhằm đảm bảo và giảm căng thẳng cán cân thanh toán của nền kinh tế, hạn chế nhập siêu.

Song song với đó, cần kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, chỉ nhập những mặt hàng thực sự cần thiết, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Các doanh nghiệp cần cân đối và dự trữ hàng nhập khẩu một cách hợp lý để tránh căng thẳng ngoại tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.