Xuất khẩu Việt Nam chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới
Trong 8 năm qua (2011-2018), thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng cả về quy mô lẫn cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tới đây việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh.
Xếp thứ hạng cao
Giai đoạn 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong 8 năm tăng gấp 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018.
Việt Nam đã cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam chỉ đứng thứ hạng 50 thì đến năm 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.
Về quy mô thị trường xuất khẩu, năm 2011 chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD).
Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực giai đoạn 2011-2018.
Trong giai đoạn 2011-2018, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giai đoạn 2011-2018, khu vực thị trường châu Á luôn duy trì tỷ trọng khoảng từ 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Mỹ và khu vực thị trường châu Âu duy trì trong khoảng 20-23%. Tỷ trọng khu vực châu Phi và châu Đại Dương thấp hơn so với 3 khu vực còn lại, tổng cộng hai khu vực này đạt khoảng 4%.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2018. Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất.
Bảng 2. Thị trường xuất khẩu quan trọng giai đoạn 2011-2018
Tận dụng cơ hội từ hội nhập
Hiện nay, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định.
Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017, xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tận dụng tốt cơ hội từ cắt giảm thuế quan tại các thị trường có FTA để tăng trưởng. Cụ thể, sau khi Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN- Australia- New Zealand có hiệu lực, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, xuất khẩu điều sang Australia tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm.
Hay khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản có hiệu lực hồ tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm, cà phê đạt 8,0%/năm; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu có hiệu lực, hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga tăng 59,6%, rau quả tăng 19,9%, dệt may tăng 53,5%...
Hiệp đinh Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi thì việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Qua đó, giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Điều này sẽ đặc biệt có ý nghĩa khi mà những lợi thế cạnh tranh như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đã dần bị thu hẹp, không có tính bền vững trong khi những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển và thời gian.