Xuất khẩu vào thị trường CPTPP: Bóng trong chân doanh nghiệp
Tính đến thời điểm này, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam khoảng hơn 2 tháng. Với những cam kết sâu, rộng về thuế quan, CPTPP hứa hẹn tạo thêm cú hích đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng, trong đó có nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hứa hẹn cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Phân tích cơ hội tăng xuất khẩu khi tham gia CPTPP, nhất là với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam là sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. Cụ thể, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ ngay khoảng 78% - 95% số dòng thuế với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 - 10 năm; đến cuối lộ trình sẽ xóa bỏ 98% - 100% số dòng thuế. “Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có. Ở chiều ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% số dòng thuế cho các đối tác”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết.
Nhìn về cơ hội tại một số thị trường cụ thể, Cục Công nghiệp đánh giá, trong số 11 quốc gia tham gia CPTPP có 3 quốc gia lần đầu tiên Việt Nam ký kết FTA. 3 quốc gia này đều có cam kết cắt giảm thuế quan cho hàng hóa Việt Nam với tỷ lệ rất cao: Canada là 94%, Peru là 81% và Mexico là 77%. Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn.
Đơn cử như với ngành dệt may, mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện trung bình trên 10%. Từ ngày 14/1/2019, các sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với mức thuế suất này, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, từ đó thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt - may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho biết, vào năm thứ 4 của Hiệp định, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Canada sẽ được xóa bỏ 100%. Dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Canada, và đa số các công ty này đều phân phối cho thị trường Mỹ và các nước khác.
Đối với ngành da giày, CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada. Cụ thể, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, CPTPP cũng sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ… tăng xuất khẩu.
Đòi hỏi năng lực thực sự
Rõ ràng là Việt Nam đang có cơ hội lớn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước thành viên CPTPP, nhưng cơ hội đó có trở thành những con số cụ thể trong gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thẳng thắn cho rằng, tất cả mới chỉ là cơ hội. Vấn đề là làm sao biến những cơ hội ấy thành hiện thực.
Theo ông Lộc, bài học từ việc thực thi 10 FTA đang có cho thấy rõ, các FTA hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt Nam.
Cục Công nghiệp nhìn nhận, điều kiện để được ưu đãi thuế trong một FTA kiểu mới, toàn diện như CPTPP không hề đơn giản. Muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa của CPTPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước bên ngoài CPTPP như: Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Trong khi đó, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”… Chính bởi những thách thức này, Cục Công nghiệp khuyến nghị, muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực thực sự, bắt đầu từ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng.