Xuất khẩu Việt Nam và kỳ vọng mang tên TPP
(Tài chính) Việt Nam là một quốc gia có thể hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ và hưởng các mức thuế suất thấp hơn cho các mặt hàng sản xuất của Việt Nam.
Xuất khẩu đang đà thuận lợi
Theo các nhận định của ngân hàng HSBC, mặc dù là nền kinh tế nghèo nhất trong 12 quốc gia tham gia đàm phán, nhưng những kỳ vọng của Việt Nam đối với Hiệp định này rất rõ ràng. Đó là đem lại càng nhiều công việc ổn định cho lực lượng lao động trong nước càng tốt và tăng cường tiếp cận các thị trường đồng thời thúc đẩy lĩnh vực sản xuất tiến lên phía trước.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC cho thấy, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trong tháng 2/2014mặc dù có vài chỉ số phụ giảm sau khi đã trải qua tháng Giêng tăng mạnh. Đơn hàng xuất khẩu mới là lực kéo chính đã giảm từ mức 52,2 trong tháng Giêng xuống còn 49,3 điểm trong tháng 2/2014.
Nhập khẩu đầu vào đã tăng mạnh trong năm 2014 nếu so sánh với hai năm trước. Nhập khẩu vải bông, nguyên vật liệu ngành may, phụ kiện quần áo và phụ tùng máy móc và linh kiện đã tăng. Nếu nhu cầu nước ngoài chậm lại, thì việc tăng trưởng nhập khẩu đầu vào cùng với đơn hàng tăng mạnh hơn hàng tồn kho cho thấy sản lượng sẽ tiếp tục tăng. Dòng vốn FDI giải ngân vẫn tăng sẽ cân bằng những yếu kém từ nhu cầu nước ngoài.
Xuất khẩu các mặt hàng sản xuất chắc chắn sẽ trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, giá cả hàng hoá cũng là vấn đề đối với giá trị hàng xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã mất giá trị trong hai năm gần đây. Dầu thô, gạo, cao su, than, trà và cà phê đều có tăng trưởng âm. Số lượng xuất khẩu dầu thô đã giảm đáng kể từ đầu những năm 2000 do nhu cầu đối với dầu nội địa tăng và năng suất lọc dầu trong nước đang tăng.
Gạo, một nguồn thu xuất khẩu quan trọng đã giảm giá trị do sản lượng dư thừa trên thị trường quốc tế đã khiến người nông dân phải giảm số lượng bán ra. Cà phê cũng trải qua tình hình tương tự khi giá giảm trong năm ngoái.
Nhưng số lượng hàng xuất khẩu nói chung vẫn tăng mạnh kể từ đầu những năm 2000.
Lòng tin người tiêu dùng yếu
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng cảnh báo rằng, trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam đang có nhiều thuận lợi từ môi trường thương mại toàn cầu, thì các điều kiện trong nước lại không mấy thuận lợi. Chỉ số lạm phát tháng 2 yếu hơn mong đợi cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị lòng tin người tiêu dùng yếu kéo xuống.
Thời điểm Tết Nguyên đán thông thường sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với thực phẩm cũng như vận chuyển và các mặt hàng cơ bản khác. Trong khi chỉ số lạm phát toàn phần tháng 2 tăng so với tháng 1 xét theo tháng, nguyên nhân chính là do giá cả thực phẩm tăng cao hơn dẫn dắt.
Những số liệu của tháng 2 cho thấy người tiêu dùng chỉ mua những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm trong khi lại cắt giảm những sản phẩm khác như chi tiêu cho nhà cửa và mua quần áo may mặc.
Mặt bằng giá cả sẽ không mấy thuận lợi nếu như nhu cầu trong nước vẫn tiếp tục thấp từ tháng 3 cho đến tháng 6/2014. Giá gas được thông báo tăng sẽ tăng áp lực lạm phát nhưng mức thay đổi là khá nhỏ chỉ ở khoảng tăng 1%.
Các chuyên gia HSBC kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ tăng nhẹ trong quý II/2014 do mặt bằng giá cả không mấy thuận lợi và giá năng lượng có tiềm năng sẽ tăng cao hơn. Giá gạo ổn định nhờ vào nguồn cung từ Thái Lan có nghĩa là lạm phát giá thực phẩm sẽ rất thấp.
Với điều kiện như vây, HSBC hạ dự báo chỉ số lạm phát năm 2014 từ mức 7,3% xuống còn 6,5%. Trong khi chỉ số GDP quý IV/2013 tăng từ mức 5,5% của quý III lên 6% so với cùng kỳ năm ngoái, các điều kiện trong nước của Việt Nam tiếp tục suy yếu do vấn đề nợ xấu lớn vẫn còn đang treo lơ lửng và tốc độ cải cách hệ thống tài chính chậm chạp.
Với áp lực lạm phát thấp hơn, các chuyên gia HSBC cũng thay đổi dự báo về lãi suất với lãi suất không tăng cao trong quý II/2014. Lãi suất OMO kỳ vọng sẽ giữ ổn định ở mức 5,5% trong năm 2014.