Xuất khẩu xanh là bắt buộc


Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 do Bộ Công thương tổ chức ngày 24/11, các diễn giả cho rằng, xuất khẩu xanh đã và đang tạo nên luật chơi mới về thương mại toàn cầu. Để không bị loại khỏi cuộc chơi này, các nhà sản xuất, xuất khẩu phải nhanh chóng chuyển đổi xanh.

Sản xuất xanh không còn là yêu cầu mà là xu thế bắt buộc.
Sản xuất xanh không còn là yêu cầu mà là xu thế bắt buộc.

 Luật chơi mới 

Việt Nam trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. 10 tháng năm 2023, do chịu ảnh hưởng từ thương mại toàn cầu thấp, xuất nhập khẩu đạt 558 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD, tăng 16,2%); nhập khẩu giảm 12,3% (cùng kỳ đạt 303,9 tỷ USD). Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm mạnh, như sang Hoa Kỳ giảm 15,8%, EU giảm 8,9% (ước đạt 36,2 tỷ USD); ASEAN giảm 6,2%, Hàn Quốc giảm 3,6%, Nhật Bản giảm 4,1%...

Cùng với thắt chặt chi tiêu, các nước còn gia tăng tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu. PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Chẳng hạn, từ ngày 1/10/2023, EU bắt đầu thực hiện thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro nhập khẩu. CBAM được thiết kế để giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon liên quan đến hàng nhập khẩu vào EU bằng cách bảo đảm rằng chi phí carbon của hàng hóa nhập khẩu tương đương với chi phí carbon do các nhà sản xuất EU chịu theo Hệ thống Thương mại Phát thải của EU. Việt Nam có 4 mặt hàng bị ảnh hưởng là xi măng, sắt thép, nhôm và phân bón. 

Bên cạnh đó, EU đã thông qua quy định không gây mất rừng, thực thi từ tháng 12/2024. Theo đó, cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Những ngành hàng chủ lực của tỉnh bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, sầu riêng, gỗ và sản phẩm gỗ. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Điều này đã và đang hình thành nên luật chơi mới về thương mại và đầu tư, buộc các nước xuất khẩu thay đổi tư duy, quan tâm tới yếu tố xanh để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Không có quyền lựa chọn 

Các diễn giả tham gia diễn đàn nhấn mạnh, Việt Nam không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải chuyển đổi xanh.

Thép là ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh để tăng xuất khẩu vào EU, hướng tới mục tiêu Net Zero. Tuy vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, chuyển đổi xanh không dễ với ngành thép vì đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ cũng như sự chủ động của doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp thép đang phối hợp với các đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được CBAM và nghiên cứu giải pháp và lộ trình giảm phát thải carbon.

Cùng với chuyển động của doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái đề xuất cơ quan quản lý đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược, kế hoạch hành động để ứng phó với cơ chế CBAM. Doanh nghiệp phải được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2…

Bản chất của các quy định, yêu cầu mới về thỏa thuận xanh EU là trách nhiệm giải trình; các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất ở EU phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong chuỗi giá trị cũng như nhà nhập khẩu phải biết, hiểu, sát hơn với nhà cung cấp để từ đó tạo dựng lòng tin với các nhà cung cấp. Do đó, Giám đốc toàn cầu, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thuỵ Sỹ (Sippo) Clement Graf nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hành động với mục tiêu, bước đi rõ ràng cũng như xác định rõ vai trò của các bên, phân chia trách nhiệm rõ ràng; phát triển, xây dựng năng lực của các tác nhân khác nhau trong hệ sinh thái.

Thời gian tớip, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu về chuyển đổi xanh, CBAM, và kinh doanh có trách nhiệm. Ngoài ra, triển khai các chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là 6 ngành chịu ảnh hưởng của CBAM. Cùng với đó, phối hợp với hệ thống thương vụ ở nước ngoài để sớm cung cấp cho doanh nghiệp những quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn… 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn