Đẩy mạnh “xuất khẩu xanh” để giữ vững xuất khẩu


Năm 2023, hoạt động xuất khẩu dự báo sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Để giữ vững xuất khẩu doanh nghiệp cần bảo đảm yêu cầu chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh “xuất khẩu xanh”, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, thay vì xuất khẩu những gì mình có.

Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu xanh, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, thay vì xuất khẩu những gì mình có.
Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu xanh, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, thay vì xuất khẩu những gì mình có.

Từ  ngày 8/1 đến nay, sau khi phía Trung Quốc thông báo mở lại toàn bộ cửa khẩu đường bộ, hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung diễn ra sôi động.

Kết thúc tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,45 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 11,07 tỷ USD biến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch trên 10 tỷ USD trong tháng đầu tiên năm 2023.

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) thì Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất - nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất, nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau 3 năm tạm đóng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khai thông cho nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, mở ra tín hiệu tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), có tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu nếu khai thác tốt thế mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác lợi thế từ các thị trường, nhất là các thị trường có FTA.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì khó khăn của nền kinh tế toàn cầu chưa thể sớm khắc phục. Thậm chí, khó khăn trong năm 2023 có thể sẽ gấp nhiều lần năm 2022, bởi đây là thời điểm hệ lụy của tình trạng suy thoái, lạm phát được bộc lộ rõ nét.

Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam còn phụ thuộc vào diễn biến xung đột, tình hình lạm phát, nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Trong bối cảnh các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…gặp nhiều khó khăn, thì xuất khẩu khó đạt mục tiêu đề ra.

Do đó, Bộ Công Thương đang tìm cách khơi mở, đa dạng hóa thị trường để bù đắp sự sụt giảm từ các thị trường truyền thống. Những thị trường mới đang được đẩy mạnh xuất khẩu là khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi…

Ngoài việc đa dạng hóa thị trường, chúng ta cũng cần giữ vũng xuất khẩu đến các thị trường truyền thống. Theo bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thì để giữ vững xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc doanh nghiệp cần bảo đảm yêu cầu chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh “xuất khẩu xanh”, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, thay vì xuất khẩu những gì mình có.

Các ngành chức năng cần bảo đảm hàng hóa xuất khẩu được thông suốt với thủ tục thông thoáng, thuận lợi về logistics; nắm vững, cập nhật chính sách nhập khẩu của nước sở tại…

Ngoài Trung Quốc, theo bà Lê Hoàng Oanh, thị trường Nam Á, châu Phi,… cũng có dư địa lớn cần khai thác. Chẳng hạn thị trường Ấn Độ hằng năm nhập khẩu khoảng 560 tỷ USD.

Trong khi Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ mới đạt 8 tỷ USD, chiếm 1,4%. Giữ đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng đóng vai trò then chốt, nhất là đối với các nguyên liệu của ngành dệt may, chế biến thủy sản, khoáng sản… Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cần đa dạng ở các thị trường, tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường nhất định.

Liên quan tới thị trường Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung cho hay, đây là thị trường sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: Thủy sản, nông sản, túi xách, vali, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ…

“Mặc dù UAE là thị trường mở nhưng cạnh tranh rất khốc liệt về giá và chất lượng. Giá nào cạnh tranh thì doanh nghiệp UAE sẽ nhập khẩu hàng. Thậm chí đối tác được coi là truyền thống, đang xuất khẩu hàng vào UAE, nếu giá bán cao cũng có thể bị thay đổi, để ưu tiên doanh nghiệp có giá bán thấp hơn”, ông Trương Xuân Trung lưu ý.

Còn Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đàm phán hiệp định thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ mà Brazil là đối tác lớn nhất.

Đồng thời, thương vụ cũng tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng sở tại nhằm tìm nhiều hướng, nhiều kênh để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào Brazil và các nước Nam Mỹ.

Theo Kim Thanh/kinhtemoitruong.vn