Xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu tích cực
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 8,846 tỉ USD, tăng 1,276 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ đạt 7,57 tỉ USD).
Theo thống kế của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2013 đã có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu lượng hàng hóa của nước ta có trị giá từ 1 tỉ USD trở lên.
Trong 11 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, dẫn đầu là mặt hàng điện thoại cùng linh kiện ước đạt 9,907 tỷ USD, tiếp đến là dệt may 7,98 tỷ USD, điện tử - máy tính cùng linh kiện 4,712 tỷ USD, giày dép 4,079 tỷ USD, dầu thô 3,769 tỷ USD, thuỷ sản 2,861 tỷ USD, máy móc - thiết bị - phụ tùng 2,684 tỷ USD, phương tiện vận tải cùng phụ tùng 2,591 tỷ USD, sản phẩm gỗ 2,448 tỷ USD, cà phê 1,723 tỷ USD và gạo 1,626 tỷ USD. Ngoài ra còn có 2 mặt hàng cũng đạt doanh thu cao là cao su 971 triệu USD, túi xách - vali - ô dù - ví - mũ 925 triệu USD.
Đã có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu lượng hàng hóa của nước ta có trị giá từ 1 tỉ USD trở lên. Con số này là một sự tăng trưởng vượt bậc, bởi cùng ký năm 2012, cả nước mới có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu lượng hàng hóa từ Việt Nam với kim ngạch 1 tỉ USD trở lên.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 8,846 tỉ USD, tăng 1,276 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ đạt 7,57 tỉ USD). Tất cả các nhóm hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam đều có mặt ở Hoa Kỳ.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu là thị trường “tỉ đô” khác của Việt Nam tiếp sau Hoa Kỳ lần lượt là: Nhật Bản (5,289 tỉ USD), Trung Quốc (4,948 tỉ USD), Hàn Quốc (2,646 tỉ USD), Đức (1,95 tỉ USD), Malaysia (1,917 tỉ USD), Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (1,598 tỉ USD), Anh (1,425 tỉ USD), Thái Lan (1,36 tỉ USD), Hồng Kông- Trung Quốc (1,325 tỉ USD), Campuchia (1,27 tỉ USD), Australia (1,258 tỉ USD), Hà Lan (1,137 tỉ USD), Singapore (1,035 tỉ USD), Ấn Độ (1,021 tỉ USD).
Với đà tăng trưởng đó, 6 tháng qua, xuất khẩu cả nước ước đạt 62,053 tỷ USD, tăng 16,1% so cùng kỳ 2012. Kim ngạch nhập khẩu ước 63,456 tỷ USD, tăng 17,4% so cùng kỳ 2012. Nhập siêu tăng trong mấy tháng trở lại đây được coi là dấu hiệu tốt vì các doanh nghiệp gia tăng hoạt động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Dấu hiệu này được khẳng định qua việc sản xuất công nghiệp dần phục hồi (6 tháng ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái), đi đôi với việc tỷ lệ hàng tồn kho giảm dần qua các tháng từ đầu năm đến nay.
Cả nước đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 11,6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 63,5 tỷ USD, tăng 17,4% so cùng kỳ. Vì vậy, nếu so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu thì trong 6 tháng qua, cả nước nhập siêu lượng hàng hóa trị giá 1,4 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điều đó cho thấy đã xuất hiện các dấu hiệu phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để kiềm chế nhập siêu hiện tại yêu cầu đầu tiên vẫn là kiểm soát nhập khẩu, tập trung vào quản lý hàng nhập khẩu có phù hợp hay không, kết hợp với khống chế nhập các loại hàng trong nước đã sản xuất được hoặc hàng xa xỉ.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đủ mạnh và hợp lý nhằm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để các doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị trong nước khi mà sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, Chính phủ cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tập trung vào những dự án sản xuất phục vụ xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu để từng bước chủ động, cũng như làm lành mạnh hóa quan hệ xuất-nhập khẩu mà đích ngắm là các tập đoàn đa quốc gia, với những dự án lớn xây dựng cơ sở sản xuất mang tầm khu vực tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2013 là 126 tỷ USD, Bộ Công Thương sẽ tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp C/O (thủ tục hải quan về xuất khẩu). Cùng với đó, Bộ sẽ nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ, triển khai trao đổi cấp C/O điện tử với các nước trong khu vực. Tập trung theo hướng doanh nghiệp tự cấp chứng nhận xuất xứ - bước tiến mới để tận dụng tốt lộ trình ưu đãi thuế, trước mắt thí điểm trong ASEAN, phổ biến những ưu đãi thuế, tiêu chí xuất xứ với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cũng là mục tiêu được Bộ này đề ra.
Mặt khác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời, rộng rãi các thông tin thị trường cho các doanh nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh, tạo dựng những điều kiện để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và miền núi khai thác và phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình.