Xuất, nhập khẩu giúp cải thiện tính thanh khoản
10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, nếu theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá xuất khẩu giảm 3,14%, tính ra đã làm tổng kim ngạch bị thiệt khoảng 4.524 triệu USD - tương đương khoảng 104.000 tỷ đồng, bằng gần 3% GDP của cả nước.
Tương tự, giá nhập khẩu nếu giảm 7,13% như 9 tháng, tính ra làm lợi khoảng 10,02 tỷ USD - tương đương với khoảng 230.000 tỷ đồng, gần bằng 7% GDP. Bù trừ giữa thiệt và lợi do giá xuất/nhập khẩu giảm, 10 tháng qua đã được lợi gần 5,5 tỷ USD, tương đương với khoảng 126.000 tỷ đồng, bằng gần 4% GDP.
Cán cân thương mại thặng dư góp phần cùng với các yếu tố khác đã làm cho cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Các yếu tố khác là lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn có quy mô khá và tăng lên: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng, ODA tiếp tục được giải ngân, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tăng thêm khoảng gần 5 tỷ USD..., tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm xuống.
Cán cân tổng thể thặng dư đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối đạt đỉnh cao mới, góp phần cải thiện tính thanh khoản, bảo đảm an toàn tài chính của quốc gia.
Tỷ giá cơ bản ổn định. Sau 10 tháng (tháng 10/2016 so với tháng 12/2015), giá USD ở Việt Nam vẫn còn giảm 0,92%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 4,93%; giá USD trên thế giới tăng và tăng cao ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố góp phần ổn định tâm lý.
Tỷ giá VND/USD giảm cùng với giá thế giới tính bằng USD giảm, nên giá nhập khẩu tính bằng VND giảm hoặc tăng thấp và đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát không cao hơn các năm từ 2013 trở về trước, nhưng cũng không thấp quá như 2 năm 2014 và 2015. Tỷ giá ổn định góp phần ngăn chặn cơn sốt vàng thời gian qua, kéo giá vàng tăng/giảm cùng với giá thế giới và không còn cao hơn giá thế giới như một vài năm trước.
Việc giá xuất khẩu giảm cần được ứng phó bằng việc khai thác nguồn hàng để tăng lượng hàng xuất khẩu bù vào. Thực tế lượng hàng xuất khẩu tăng khá như cà phê tăng 40,9%, hạt tiêu tăng 35,6%, cao su tăng 18,1%, xơ sợi dệt tăng 18,6%, sắt thép tăng 34,1%... Tuy nhiên, giá thế giới có xu thế tăng, nên cần dự trữ để tránh bán sớm dễ bị hớ.
Việc giá nhập khẩu giảm cũng được tận dụng để tăng lượng nhập khẩu nhằm tận dụng thời cơ khi giá thế giới còn thấp và đón thời cơ khi nhu cầu đầu tư, tiêu dùng ở trong nước phục hồi.
Thực tế, lượng nhập khẩu tăng khá, như lúa mì tăng 98,5%, ngô (2,9%), quặng và khoáng sản khác (54,1%), than đá (191,5%), xăng dầu (17,7%), khí đốt hóa lỏng (14,1%), giấy các loại (9,8%), phế liệu sắt thép (14,7%), sắt thép các loại (23,7%)... Tuy nhiên, cần cân nhắc để tránh ham rẻ nhập khẩu rồi cạnh tranh với thị phần sản xuất ở trong nước và tránh tồn kho cao.