Xuất nhập khẩu: Góc nhìn từ địa phương

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Xuất khẩu hiện đang là lĩnh vực đạt kết quả nổi bật trong những tháng đầu năm. Đóng góp vào kết quả này có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về địa bàn xuất, nhập khẩu. Đáng chú ý, Bắc Ninh đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về xuất khẩu trong quý I còn Hà Nội thì đứng đầu cả nước về nhập siêu.

Xuất nhập khẩu: Góc nhìn từ địa phương
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi xuất, nhập khẩu các địa bàn được tính theo các đơn vị xuất, nhập khẩu đầu mối nên việc đánh giá này còn phải chú ý đến việc phân bổ các (DN) xuất khẩu đầu mối: (“đầu” là các hội sở Tập đoàn, Tổng công ty, DN ở địa phương này, nhưng “đuôi” là các DN, chi nhánh DN nằm ở nhiều địa phương khác).

Tuy nhiên, các thông tin về xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu theo đơn vị xuất nhập khẩu đầu mối cũng giúp cho việc nhận diện sự nỗ lực của các địa phương.

9 địa phương xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD

Theo vùng, đạt cao nhất là Đông Nam Bộ chiếm 43,3%, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng trên 33,5%, Đồng bằng sông Cửu Long gần 8%, Duyên hải miền Trung khoảng 5,5%, Miền núi và Trung du Bắc bộ khoảng 4%, Tây Nguyên trên 2%.

Trong 63 tỉnh, thành phố, đã có 54 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10 triệu USD trở lên, trong đó có 43 tỉnh, thành phố đạt trên 50 triệu USD, 31 tỉnh, thành phố đạt từ 100 triệu USD trở lên, 9 tỉnh, thành phố đạt trên 500 triệu USD và 5 tỉnh, thành phố đạt trên 1 tỷ USD.

Đáng lưu ý, cả 6 vùng đều có tỉnh, thành phố đạt 100 triệu USD trở lên, đông nhất là Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, Miền núi và Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên.

Kim ngạch xuất khẩu của 9 địa phương này đạt 23.121 triệu USD, chiếm 77,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý I. Có 3 vùng có tỉnh, thành phố đạt 500 triệu USD trở lên.

Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về xuất khẩu

Từ các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn như trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Hầu hết những địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt quy mô lớn đều là những địa phương có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với lượng vốn đăng ký thuộc loại lớn của cả nước. TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (lượng vốn đăng ký của những dự án còn hiệu lực hiện đạt trên 32,5 tỷ USD).

Bắc Ninh đứng thứ hai cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Thoạt nhìn, đây có thể là điều bất ngờ, bởi Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích không lớn, dân số không đông, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không lớn (vốn đăng ký đạt trên 3 tỷ USD, đứng thứ 17 cả nước). Nhưng chỉ với một DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong quý I/2013 đã đạt 4.423 triệu USD, vượt qua dệt may giành vị trí đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và giúp Bắc Ninh có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cả nước. Với tốc độ tăng tới 87,2% so với cùng kỳ năm trước và các thị trường xuất khẩu rộng lớn, trong năm 2013 có thể kỳ vọng đây sẽ là mặt hàng đầu tiên vượt qua mốc 20 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào quy mô và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG XUẤT KHẨU ĐẠT TRÊN 500 TRIỆU USD

Xuất nhập khẩu: Góc nhìn từ địa phương - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Bình Dương là địa phương có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với lượng vốn đăng ký hiện đạt trên 17 tỷ USD, đứng thứ 5 cả nước. Đồng Nai đứng thứ tư cả nước về kim ngạch xuất khẩu, cũng đứng thứ tư cả nước về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với lượng vốn khoảng 19 tỷ USD. Hà Nội đứng thứ năm cả nước về kim ngạch xuất khẩu và đứng thứ ba cả nước về lượng vốn đầu tư nước ngoài trên 24 tỷ USD. Các địa phương Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Hưng Yên, Khánh Hoà đạt kim ngạch xuất khẩu lớn từ thứ 6 đến thứ 13 cả nước, cũng do các địa phương này có lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn và đứng thứ hạng tương đối cao trong cả nước. Hải Dương với lượng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, đứng thứ 10. Hải Phòng đứng thứ 7 với lượng vốn đăng ký 7,3 tỷ USD. Long An đứng thứ 14 với lượng vốn đăng ký gần 3,6 tỷ USD. Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ 2 với lượng vốn đăng ký trên 26,5 tỷ USD. Quảng Ninh đứng thứ 12 với lượng vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD. Khánh Hoà với lượng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD đứng thứ 24 và nằm trong “câu lạc bộ” có lượng vốn đăng ký từ 1 tỷ USD trở lên gồm 25 thành viên. Tây Ninh với lượng vốn đăng ký trên 1,4 tỷ USD, đứng thứ 22. Hưng Yên với số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, đứng thứ 19.

Một số địa phương tuy không có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, nhưng lại là nơi có nguồn nông sản, thuỷ sản xuất khẩu lớn như Bắc Giang, Đăk Lăk, An Giang. Những địa phương khác có ưu thế này, lại thêm có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn sẽ có ưu thế lớn hơn, như Hải Dương, Long An, Tây Ninh, Hưng Yên.

Những địa phương tuy không có nguồn nông, lâm-thủy sản tại chỗ, nhưng nhờ có vị trí đầu mối giao thông và nhiều tập đoàn, Tổng công ty và DN có hội sở tại đó nhưng có chi nhánh ở các nơi có nguồn hàng xuất khẩu lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

44 tỉnh xuất siêu, 18 tỉnh nhập siêu

Trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 46 địa phương nhập khẩu với kim ngạch trên 10 triệu USD, trong đó có 22 địa phương đạt từ 100 triệu USD. Lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh 6782 triệu USD, tiếp đến là Hà Nội 5627 triệu USD, Bắc Ninh 4943 triệu USD, Đồng Nai 2556 triệu USD, Bình Dương 2348 triệu USD, Bà Rịa-Vũng Tàu 792 triệu USD, Hải Phòng 783 triệu USD, Hải Dương 646 triệu USD, Hưng Yên 530 triệu USD, Long An 450 triệu USD, Vĩnh Phúc 453 triệu USD, Bắc Giang 407 triệu USD, Quảng Ninh 394 triệu USD, Đà Nẵng 269 triệu USD, Tây Ninh 267 triệu USD. Đây là những địa phương hoặc là có nhu cầu nhập khẩu lớn để sản xuất hàng xuất khẩu; hoặc là những nơi có các đơn vị đầu mối nhập khẩu; hoặc là những trung tâm tiêu thụ lớn của cả nước.

Trong 63 tỉnh, thành phố: Có 44 tỉnh, thành phố xuất siêu, trong đó có 23 địa phương xuất siêu trên 50 triệu USD, lớn nhất là Bình Dương 842 triệu USD, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh 757 triệu USD, Đăk Lăk 314 triệu USD, Khánh Hoà 265 triệu USD, An Giang 282 triệu USD, Cà Mau 192 triệu USD, Cần Thơ 185 triệu USD, Bắc Ninh 180 triệu USD, Bình Định 164 triệu USD, Long An 139 triệu USD, Kiên Giang 139 triệu USD, Tiền Giang 123 triệu USD, Tây Ninh 102 triệu USD, Quảng Ninh 97 triệu USD, Bình Phước 83 triệu USD…

Có 18 tỉnh, thành phố nhập siêu, trong đó lớn nhất là Hà Nội 3284 triệu USD, Bà Rịa-Vũng Tàu 290 triệu USD, Vĩnh Phúc 298 triệu USD, Hưng Yên 157 triệu USD, Đồng Nai 125 triệu USD, Hải Phòng 101 triệu USD, Thanh Hoá 87 triệu USD, Bắc Giang 62 triệu USD…