Xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2014
Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 8/2014 đạt 13,3 tỷ USD, tăng 272 triệu USD so với số ước tính, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ tăng 64 triệu USD, thủy sản tăng 63 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước do lượng tờ khai xuất khẩu hải quan bị ảnh hưởng số ngày nghỉ lễ trong tháng, mặt khác xuất khẩu được đẩy mạnh trong những ngày cuối tháng 8, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tính đạt 8 tỷ USD, giảm 8,9%; khu vực kinh tế trong nước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 12,3%, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,3% với một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao: Hàng dệt may tăng 16%; giầy dép tăng 49,7%; cà phê tăng 70,7%.
Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,6 tỷ USD, tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73 tỷ USD, tăng 14,1%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng so với cùng kỳ: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,1%; hàng dệt may đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,9%; giày dép đạt 7,5 tỷ USD, tăng 25,3%. Nhìn chung tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng trên chủ yếu vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; giày dép chiếm 76,3%; hàng dệt may chiếm 59,5%. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Dầu thô đạt 5,8 tỷ USD, tăng 8,7%; thủy sản đạt 5,7 tỷ USD, tăng 23%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,3 tỷ USD, tăng 21,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 14,4%; cà phê đạt 2,8 tỷ USD, tăng 29,2%; túi xách, vali, mũ ô dù đạt 1,9 tỷ USD, tăng 37%; hạt điều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,6%; rau quả đạt 1,1 tỷ USD, tăng 42,7%; hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 43%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 48,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 44,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, chiếm 15,6%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ đạt 41,4 tỷ USD, tăng 22,2%, chiếm 37,8%. Nhóm hàng nông sản và lâm sản đạt 13,9 tỷ USD, tăng 15,8%, chiếm 12,7%. Hàng thủy sản đạt 5,7 tỷ USD, chiếm 5,2%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với kim ngạch ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao: Hàng dệt may tăng 15,3%; giày dép tăng 23,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,4%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 20,1 tỷ USD, tăng 13%; ASEAN đạt 14 tỷ USD, tăng 1,6%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 13,3%; Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD, tăng 16,5%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,7%.
Nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 8/2014 đạt 12,2 tỷ USD, thấp hơn 702 triệu USD so với số ước tính, trong đó xăng dầu giảm 193 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 133 triệu USD, vải giảm 82 triệu USD, sắt, thép và khí đốt hóa lỏng cùng giảm 35 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 ước tính đạt 13 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, tăng 6,6%, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,5%. So với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm nay tăng 14,5%, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,1% với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao: Vải tăng 21,5%; sắt thép tăng 25,9%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 21,1%.
Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 107,2 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 9,8%.
Trong 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 16,2 tỷ USD, tăng 21,2%; vải đạt 6,9 tỷ USD, tăng 15,1%; xăng dầu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 20,1%; chất dẻo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12,9%; nguyên phụ liệu dệt may giày dép đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3%; kim loại thường khác đạt 2,5 tỷ USD, tăng 17%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 23,1%; ô tô đạt 2,4 tỷ USD, tăng 45,4%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 938 triệu USD, tăng 90,2%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 9 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 100,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ tỷ trọng lớn với 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị dụng cụ đạt 39,2 tỷ USD, chiếm 36,6%; nguyên, nhiên vật liệu đạt 61 tỷ USD, chiếm 56,9%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt gần 7 tỷ USD, tăng 12,7%, chiếm tỷ trọng 6,5%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc ước tính đạt 31,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013, nhập siêu từ thị trường này vẫn ở mức cao, ước tính khoảng 20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 3,5%; Nhật Bản đạt 9,1 tỷ USD, tăng 7,4%; EU đạt 6,5 tỷ USD, giảm 7,1%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 20,5%.
Xuất siêu tháng 8 đạt 1,07 tỷ USD, là tháng đạt mức xuất siêu cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây. Ước tính tháng 9 nhập siêu 600 triệu USD, bằng 4,8% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tính chung 9 tháng, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 12,7 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD. Xuất siêu ở mức cao cho thấy việc tiếp cận thị trường ngoài nước đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam đã có nhiều cải thiện, góp phần ổn định tỷ giá, cung cầu ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, xuất siêu chủ yếu vẫn thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với hàng gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu là chính cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta mang lại hiệu quả chưa cao và thiếu tính bền vững.