Xuất nhập khẩu hàng hóa: Ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp ma

Theo Trần Thế/baocongthuong.com.vn

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đây, nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp (DN), thuê người bán hàng rong, chạy xe ôm làm chủ DN để tổ chức buôn lậu, trốn thuế và thoái thác trách nhiệm khi bị kiểm tra.

Một lô hàng điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu qua cảng TP. Hồ Chí Minh bị tạm giữ. Nguồn: Internet
Một lô hàng điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu qua cảng TP. Hồ Chí Minh bị tạm giữ. Nguồn: Internet

Theo Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, gần đây xuất hiện nhiều DN ma đã lợi dụng các pháp nhân là DN giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh, dùng chứng minh nhân dân nhặt được, nhờ người chạy xe ôm, bán tạp hóa để lập DN mới nhằm tổ chức buôn lậu, trốn thuế.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vừa khởi tố hình sự về tội buôn lậu đối với  Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại xuất nhập khẩu New Bình Phước (Đường số 3, khu phố 2, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) sau khi có kết qủa kiểm tra, phát hiện container chứa hàng lậu.

Lô hàng là đồ điện đã qua sử dụng, thuộc hàng cấm nhập khẩu gồm 129 máy giặt; 40 bộ máy lạnh; 90 chiếc nồi cơm điện…trị giá lô hàng hơn 1,1 tỷ đồng nhưng đại diện Công ty New Bình Phước đã từ chối nhận hàng. 

Các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, đã phát hiện Công ty New Bình Phước không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh, tại địa chỉ này cũng không có DN nào hoạt động. Năm 2017 Công ty New Bình Phước được cấp phép thành lập nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh thuần túy mà các các đối tượng đã sử dụng hồ sơ, giấy tờ giả mạo để lập DN, dùng pháp nhân đã đăng ký để tổ chức buôn lậu.

Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện 1.600 thùng carton ly chén, bát đĩa, vật dụng gia đình đã qua sử dụng đều là hàng cấm nhập khẩu. Công ty TNHH TM DV Phạm Đức (quận Thủ Đức) là chủ lô hàng cấm chứa trong 2 container này đã khai báo hải quan là rổ nhựa.

Chưa hết, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phạm Đức trước đó cũng đã bị hải quan phát hiện 2 container hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái chứa 150 tủ lạnh và nhiều nồi cơm điện, quạt gió, ly chén, bát đĩa đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất khai trên vận đơn nhập khẩu là rổ nhựa. Cơ quan chức năng xác minh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phạm Đức không có thực tại địa chỉ đăng ký hoạt động kinh doanh.

Không chỉ tình trạng lập DN ma để buôn lậu, trốn thuế gần đây lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn phát hiện chủ DN tham gia hoạt đồng xuất nhập khẩu hàng hóa là người được các đối tượng buôn lậu thuê làm giám đốc DN, trong đó có người là dân xe ôm, bán bán rêu. Qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện những người được hầu hết không biết gì về hoạt động kinh doanh, họ chỉ biết nhận lương tháng thông qua cò môi giới hay công ty dịch vụ.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh Phan Minh Lê, từ các vụ buôn lậu bị phát hiện, lực lượng hải quan đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn đều do một số đối tượng cầm đầu sử dụng pháp nhân của các DN mới thành lập, thuê người khác đứng tên để tổ chức buôn lậu, trốn thuế. Những trường hợp vi phạm như nêu trên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vì không tìm được đối tượng đứng ra tổ chức.

Một cán bộ thuộc Phòng Quản lý rủi ro Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hải quan  TP. Hồ Chí Minh từng phát hiện đối tượng buôn lậu đã sử dụng hồ sơ cá nhân của người xin việc, hồ sơ của người bị bệnh tâm thần để lập DN mới nhằm mục đích buôn lậu. “ Tại các kho hàng thuộc các cảng biển ở thành phố hiện vẫn còn tồn hàng trăm container hàng nhập lậu, hàng cấm được phát hiện chưa xử lý được, do các cơ quan chức năng chưa xác minh được chủ thể vi phạm, mặc dù đã tốn rất nhiều thời gian”- vị cán bộ này cho biết thêm.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đa số DN buôn lậu, gian lận thương mại mà hải quan phát hiện địa chỉ đăng ký kinh doanh đều tạm bợ hoặc thuê một số địa điểm chỉ để treo bảng hiệu, DN dạng này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Khi hàng lậu bị bắt giữ, cơ quan chức năng tìm đến thì lặn mất tăm hơi khiến cho nhiều vụ án bị tạm dừng điều tra để truy tố trước pháp luật.

Để loại các DN ma khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại DN để quản lý. Theo đó, cần giảm bớt tiêu chí cứng để có nhiều DN ưu tiên hơn, mục đích là để chủ DN thấy lợi ích buôn lậu nhỏ hơn lợi ích được ưu tiên, họ sẽ làm đúng theo định của pháp luật.
Đối với DN thành lập mới, các cơ quan chức năng địa phương như Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Công Thương… cần chia sẻ thông tin kịp thời, chính xác với ngành hải quan về các hoạt động kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu của DN để nhân viên hải quan dễ nhận diện, phát hiện sớm hàng lậu.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2017, có 46.013 DN xuất nhập khẩu làm thủ tục trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Năm 2017, Hải quan thành phố xử lý 1.598 vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm 181 tỷ đồng, trong đó có 18 vụ buôn lậu bị khởi tố hình sự, tăng hơn 4 lần so với năm 2016 .