Điều tra PCI năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tâm lý lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.
Có tới 52% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ 2011 trở lại đây. Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa rất thấp, chỉ ở mức 8%.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có cuhng nhận định tích cực về triển vọng phát triển trong thời gian tới khi có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Điều tra năm 2017 cũng thể hiện, các doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn. Thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp FDI cũng cho biết việc chi trả chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu đã giảm đáng kể so với trước đây.
Tuy nhiên, năm nay, lần đầu tiên tiêu chí đánh giá về an ninh trật tự xuất hiện trong kết quả điều tra PCI. Trước đó, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị việc PCI cần tìm hiểu và đánh giá tác động của tình trạng tội phạm cũng như hành động của chính quyền địa phương đối với vấn đề này.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI, một hiệu ứng lo ngại của việc Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình đó là đô thị hóa và tăng trưởng nhanh, cùng với đó là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, có thể kéo theo sự gia tăng của tình trạng tội phạm, đặc biệt là các vụ trộm, cắp.
Dù kết quả điều tra cho thấy rằng 56% doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh, trật tự tại địa phương là tốt, song có đến 14,5% doanh nghiệp cho biết họ bị trộm cắp hoặc đột nhập trong năm vừa qua. Điều tra cho thấy trung bình giá trị tài sản bị mất là khoảng 15 triệu đồng, một số doanh nghiệp bị mất mát tài sản có giá trị lên đến trên 500 triệu đồng.
Vấn đề là đối với các doanh nghiệp nhỏ, con số mất trộm này là chiếm một phần đáng kể trong doanh thu hàng năm của họ. Các doanh nghiệp lớn hơn có nhiều khả năng bị thiệt hại nhiều hơn. Theo một số chuyên gia, việc bị mất trộm tài sản sẽ không chỉ gây lo ngại cho doanh nghiệp mà cũng khiến tình hình sản xuất kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Biểu đồ 1. Các chỉ tiêu về an ninh trật tự trong PCI 2017
Nguồn: VCCI
Trên phạm vi cả nước, vấn đề tội phạm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp cao nhất được ghi nhận ở Cà Mau (26,7%), Bạc Liêu (25,3%), Sóc Trăng (23,9%) và An Giang (23,6%). Kiên Giang (23,1%) và Tiền Giang (23%) cũng nằm trong tốp 10.
Tuy nhiên, điều tra của dự án PCI cũng thấy, hầu hết các doanh nghiệp tin rằng công an tại các địa phương đã làm tốt nhiệm vụ. Có 86% cho biết đã báo cho cơ quan công an và gần 70% trong số đó đánh giá rằng cơ quan công an địa phương hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hiệu quả vụ việc. Hơn nữa, không có nhiều dấu hiệu cho thấy tội phạm đang lan tràn ngoài tầm kiểm soát, buộc các doanh nghiệp phải nhờ đến băng nhóm bảo kê.
Thống kê cho thấy, dù chưa đến 3% doanh nghiệp cho biết phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để đảm bảo yên ổn làm ăn, song đây cũng là xu hướng đáng chú ý và các địa phương cần giải quyết triệt để trong thời gian tới nhằm bảo đảm an toàn môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp.