Xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2019
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 12/2018 đạt 19.635 triệu USD, thấp hơn 1.365 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện thấp hơn 924 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 141 triệu USD; dầu thô thấp hơn 79 triệu USD; giày dép thấp hơn 70 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, thấp hơn 1.240 triệu USD so với ước tính, tăng 13,2% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 173,7 tỷ USD, tăng 11,8%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20,0 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, tăng 3,2%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước như: Hóa chất tăng 33,4%; rau quả tăng 30,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,8%; dầu thô tăng 19,3%; sắt thép tăng 19,2%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị giảm như: Điện thoại và linh kiện giảm 0,9%; hàng dệt may giảm 4,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 4,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2019 giảm 1,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm: Điện thoại và linh kiện đạt 2,9 tỷ USD, giảm 27,5%, đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tháng Một giảm so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, giảm 5%; máy ảnh, máy quay phim đạt 450 triệu USD, giảm 9,1%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 305 triệu USD, giảm 27,2%; hạt điều đạt 286 triệu USD, giảm 8,7% (lượng tăng 14,7%); gạo đạt 180 triệu USD, giảm 24,8%; hạt tiêu đạt 46 triệu USD, giảm 32,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng: Hàng dệt may đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 900 triệu USD, tăng 14,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 800 triệu USD, tăng 4,9%; thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng 5,2%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2019 với kim ngạch đạt 4 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 44,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 40,4%; giày dép tăng 13,5%. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,2%, trong đó hàng dệt may tăng 23,9%; giày dép tăng 13,6%; thủy sản tăng 10,7%.
Thị trường EU đạt 3,2 tỷ USD, giảm 7,3%, trong đó điện thoại và linh kiện giảm 20,4%; sắt thép giảm 60,3%. ASEAN đạt 2 tỷ USD, giảm 5,1%, trong đó thủy sản giảm 22,5%; điện thoại và linh kiện giảm 36,3%. Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,8%, trong đó hàng dệt may tăng 7,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,9%. Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD, giảm 2,3%, trong đó điện tử, máy vi tính và linh kiện giảm 11,4%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 12/2018 đạt 20.446 triệu USD, thấp hơn 754 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 296 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 145 triệu USD; vải thấp hơn 145 triệu USD; kim loại thường thấp hơn 67 triệu USD; phương tiện vận tải thấp hơn 43 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 31 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện năm 2018 đạt 236,7 tỷ USD, thấp hơn 824 triệu USD so với số ước tính, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 216,3 tỷ USD, tăng 11,6%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,4%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20,80 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%. Kim ngạch một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Bông tăng 24,4%; than đá tăng 24,2%; thủy sản tăng 16,3%; kim loại thường tăng 8,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 5,8%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 5,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính tăng 3,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,3%. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong tháng Một: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 3,8%; điện thoại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12%; vải đạt 1,1 tỷ USD, tăng 5,8%; sắt thép đạt 788 triệu USD, giảm 3,2%; chất dẻo đạt 780 triệu USD, tăng 0,3%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong tháng Một, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 21,2%; vải tăng 4,1%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, giảm 5,8%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 5,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 12,6%.
ASEAN đạt 2,8 tỷ USD, tăng 3,7%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 16,3%. Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5%, trong đó vải tăng 56,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 2,4%. EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,5%, trong đó sắt thép tăng 26,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 13,9%. Hoa Kỳ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 20,8%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và điện tử, máy tính, linh kiện cùng tăng 19%.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2018 xuất siêu 6,8 tỷ USD, tương đương 2,8% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư ngước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32 tỷ USD. Tháng 1/2019 ước tính nhập siêu 800 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.