Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Thực trạng và một số đề xuất

ThS. Hồ THị THÙY LÊ – Đại học Vinh

Những lo ngại về tình trạng nhập siêu của Việt Nam dường như đang được gỡ bỏ khi xuất siêu có xu hướng quay trở lại trong 2 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhập siêu vẫn là mối quan tâm của dư luận, cơ quan quản lý cũng như của các doanh nghiệp…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thấy gì từ cán cân xuất, nhập khẩu?

Năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, tương đương khoảng 12,2 tỷ USD. Năm 2015, cả nước có 23 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng, kéo theo xuất khẩu của cả nước tăng trưởng.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2015, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt khoảng 74 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2014 và chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2014; tiếp theo là thị trường EU với 30,9 tỷ USD, tăng 10,7% và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Trung Quốc đạt khoảng 17 tỷ USD, tăng 13,7%; thị trường Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD và thị trường Hàn Quốc đạt 9 tỷ USD, tăng 25,2%...

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá (chỉ số giá nhập khẩu giảm 5,8%), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2015 tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 13,2% của năm 2014 khi loại trừ yếu tố giá (Chỉ số giá nhập khẩu năm 2014 giảm 1,02%). Giá nhập khẩu một số mặt hàng giảm mạnh so với năm trước: Xăng dầu giảm 40,4%; sắt thép giảm 15,6%; chất dẻo giảm 13%; phân bón giảm 14,1%.

Như vậy, sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015 đã đánh dấu sự quay trở lại của nhập siêu. Mức chênh lệch không lớn (3,2 tỷ), nhưng nó lại là câu chuyện về sự biến động mạnh của các xu thế chủ đạo trong kinh tế Việt Nam. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng chịu thâm hụt thương mại với nhiều quốc gia hơn và mức thâm hụt thương mại đó ngày càng tăng lên với tốc độ rất cao theo từng năm; trong khi số quốc gia chịu thâm hụt thương mại với Việt Nam lại ít đi và mức thâm hụt đó thì lại tăng không đáng kể. Xu hướng này đang gia tăng trong vài năm gần đây, cho thấy những vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể như, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức này không những không giảm mà còn ngày càng tăng, khi Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 29 tỷ USD trong năm 2014, thì con số này đã tăng lên 32,3 tỷ USD trong năm 2015. Sự phụ thuộc này lớn đến mức Việt Nam càng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thì mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc càng tăng lên thông qua việc tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất... Về lâu dài, các hiệp định FTA sẽ đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam; nhưng trong ngắn hạn nó sẽ khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ các quốc gia này tăng lên đáng kể. Điển hình là Hàn Quốc. Việc hàng loạt tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư những dự án tỷ USD tại Việt Nam cũng đang khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng lên chóng mặt.

Kỳ vọng xuất siêu trở lại?

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 16,6 tỷ USD, tăng 2,3%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; ASEAN đạt 2,5 tỷ USD, giảm 12,3%; Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 3,5%; Nhật Bản đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,1%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,1%.

Về kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, 2 tháng đầu năm đạt khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,6 tỷ USD, giảm 7,7%. Tính chung 2 tháng đầu năm xuất siêu 865 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,9 tỷ USD.

Thực tế nhìn vào bức tranh nhập khẩu các sản phẩm, mặt hàng trong nhóm nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất, đều có xu hướng giảm mạnh. Đáng chú ý là nếu như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì mức xuất siêu và tăng mạnh về kim ngạch nhập khẩu, thì trong 2 tháng đầu năm khối này cũng có mức nhập khẩu giảm khá mạnh với 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất những ngành công nghiệp xuất khẩu chính như điện thoại, dệt may, da giày, đều giảm mạnh. Điều này cho thấy, xuất siêu diễn ra chủ yếu do nhập khẩu giảm chứ không hẳn do xuất khẩu tăng cao, vì thực tế kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp so với yêu cầu tăng trung bình 10% theo chỉ tiêu đề ra.

Một số đề xuất

Mức xuất siêu của nước ta đã có chiều hướng giảm và được dự báo sẽ quay trở lại nhập siêu trong những tháng tới, cho thấy sản xuất cũng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang tiếp tục vào Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất tăng lên và nhập siêu có thể quay trở lại. Để nâng cao giá trị hàng hóa xuất siêu, giảm nhập siêu, trong những tháng còn lại của năm 2016 cần tập trung vào giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Các cơ quan hữu quan cần rà soát, đánh giá ảnh hưởng của tỷ giá tới các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng có cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam của nước sở tại và các nước có phá giá tiền tệ, kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu;

Thứ hai, tích cực mở rộng thị trường cho tiêu thụ sản phẩm, trong đó, cần quan tâm đến các thị trường nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam có thế mạnh như: Nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử…;

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại; tăng cường, phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại những thị trường đã thực hiện cam kết các hiệp định thương mại;

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị thực hiện kiểm tra, thời gian và chi phí đối với từng mặt hàng cụ thể. Tiếp tục rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu; Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương tổ chức thực hiện nhập khẩu hợp lý, đảm bảo sản xuất, không nhập quá nhu cầu; Xem xét khả năng tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, thay thế nhập khẩu.

Thứ năm, rà soát lại các danh mục mặt hàng nhập khẩu, các mặt hàng nào trong nước có thể sản xuất, cung ứng được thì sử dụng hàng trong nước để hạn chế nhập khẩu.