Xuất siêu và những nút thắt chưa được tháo gỡ
(Tài chính) Năm 2013, cán cân thương mại tiếp tục được cải thiện khi đây là năm thứ hai liên tiếp cả nước xuất siêu hơn 860 triệu USD. Tuy nhiên, thành tích này đạt được chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra. Thực tế này nói lên điều gì? Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng mạnh liệu có đóng góp lớn cho nền kinh tế? Nút thắt trong gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu nằm ở đâu? PGS.,TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, bức tranh xuất khẩu của nước ta năm 2013 có những điểm nào cần chú ý?
PGS.,TS. Phạm Tất Thắng: Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 là một điểm sáng của nền kinh tế nước ta, thể hiện sự cố gắng của các doanh nghiệp. Điều đáng nói là cơ cấu hàng xuất khẩu đã được chuyển dịch theo hướng hàng hóa có giá trị, hàm lượng giá trị gia tăng cao, hàng có kỹ thuật cao được tăng lên, còn xuất khẩu những mặt hàng nguyên liệu về tài nguyên giảm. Cách đây 6 năm xuất khẩu dầu thô chiếm đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đến nay chỉ còn 7%. Kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại, linh kiện điện thoại tăng từ mức 0,1% trong tổng kinh ngạch xuất khẩu lên gần 10%. Đặc biệt, đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Điều này vẫn còn nhiều ý kiến, nhưng có thể thấy rõ ngay tác dụng cải thiện nhu cầu về ngoại tệ, giúp nâng cao lượng dự trữ ngoại tệ của nước ta.
Thành tích xuất siêu năm thứ hai liên tiếp của nước ta được cho là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại. Thực tế này nói lên điều gì, thưa ông?
Trước hết phải nói rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là những đơn vị đang hoạt động ở trong nước, đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế. Và cũng phải nói thêm không phải chỉ có các doanh nghiệp của FDI có xuất siêu mà cả lĩnh vực các sản phẩm nông nghiệp cũng xuất siêu. Chỉ có những doanh nghiệp 100% vốn trong nước thì nhập siêu và mức độ nhập siêu là tương đối lớn. Thực trạng này đã tồn tại trong nhiều năm qua, chứ không chỉ là mới diễn ra trong năm 2013. Điều này phản ánh rằng các doanh nghiệp 100% vốn trong nước hiện nay rất khó khăn; công nghệ chưa bảo đảm để có 1 sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới; sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu ngoài nước.
Mặc dù xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho người lao động nhưng hiệu quả mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cũng phải cải chính một chút là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải chỉ là lắp ráp mà cũng đã xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao như Samsung, Intel, Canon. Đấy là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà sản xuất ra các hàng hóa có giá trị gia tăng rất cao và đang chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, gần đây có một số doanh nghiệp FDI cũng nhập khẩu nhiều và thậm chí có những doanh nghiệp xuất khẩu lại từ bỏ cả lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu. Điều này thể hiện chính sách hiện hành chưa tạo ra được một chuyển biến mạnh mẽ để có được một ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp FDI.
Xuất siêu là điều đáng mừng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giá trị gia tăng thu được hay tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu chưa cao nên hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không nhiều. Vậy theo ông, nút thắt nằm ở đâu?
Nút thắt dễ thấy đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ là do dung lượng thị trường để tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa đủ lớn. Nhưng có lẽ nút thắt quan trọng hơn cả là do chưa xác định được phương hướng phát triển phù hợp, cũng như có hệ thống chính sách đồng bộ. Thực tế, để sản xuất ra một mặt hàng đơn thuần như dệt may thì phải dùng không biết bao nhiêu các loại nguyên liệu đầu vào khác nhau. Trong trường hợp này thì không phải phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu đầu vào. Nước ta cần phải lựa chọn lấy cái nào là cái chính.
Theo ông, để giải quyết vấn đề này thì phải làm những gì?
Trước hết chúng ta cần phải lựa chọn lĩnh vực để phát triển công nghiệp hỗ trợ này là thế nào. Nước ta có thuận lợi khi ở bên cạnh thị trường rất lớn là Trung Quốc. Thị trường này cung cấp những nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất với sự phong phú, giá cả phù hợp. Vì thế, nước ta không thể đi sau những sản phẩm này của Trung Quốc. Điều cần làm là tìm ra được một thị trường ngách để phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp. Chúng ta phải tìm ra một sản phẩm có chất lượng cao, sử dụng công nghệ cao thì mới hy vọng có thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn này. Bên cạnh đó, phải lưu ý nhiều hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp. Bởi thế mạnh của nước ta là nông nghiệp chứ không phải là công nghiệp chế biến, chế tạo. Thế nên nếu công nghiệp hỗ trợ tập trung đi vào lĩnh vực sản xuất để hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp thì đây một điều hết sức quý báu.
Thưa ông, thành tích xuất siêu năm thứ 2 liên tiếp của nước ta vẫn cần được bàn thảo kỹ lưỡng. Vậy để có bước chuyển tiếp theo thì cần có những quyết tâm, hành động cụ thể như thế nào?
Trước hết cũng phải nói lại một chút là xuất siêu của năm 2012 và năm 2013 là hiện tượng không bình thường của nền kinh tế Việt Nam. Trong cân đối chung của nền kinh tế, trong cân đối xuất nhập khẩu thì chưa có sự bền vững để xuất siêu. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu cho sản xuất. QH cũng thấy điều này nên mục tiêu trong năm 2014 vẫn phải nhập siêu khoảng độ 6% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, có nhập siêu thì mới là bình thường. Vì vậy ở đây chúng ta cần phải lưu ý thêm là hiện tượng xuất siêu của năm 2013 không có nhiều điều đáng mừng lắm. Các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn và họ cần có sự hỗ trợ bằng đường lối chính sách thiết thực hơn. Đó là được tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn; không phải vay vốn với lãi suất quá cao; được tiếp cận với những yếu tố đầu vào có giá cả phù hợp hơn và ít biến động… Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước phải cọ xát nhiều với cạnh tranh quốc tế ngay trên thị trường nội địa. Doanh nghiệp cũng cần có tầm nhìn xa trong 5, 10 năm tới, không thể mãi buôn đầu chợ, bán cuối chợ như hiện nay để ăn chênh lệch giá. Đó là cái cần sự thay đổi.
Nước ta đang đàm phán các hiệp định song phương, đa phương, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP). Nhiều hiệp định đã có yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì hoạt động xuất khẩu vẫn chỉ là xuất khẩu “sức lao động” và xuất khẩu “hộ” cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy ông có thể khái quát việc cần làm trong thời gian tới?
Quy chế xuất xứ hàng hóa có nghĩa là nếu anh sản xuất ra hàng hóa đó mà lại dùng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu thì không được tính là xuất xứ của Việt Nam và do vậy sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế quan. Nhưng trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương(TPP) thì lại khác. Ở đây có sự tính gộp. Vì nếu có nhập khẩu nguyên liệu của những nước thành viên thì vẫn được cộng gộp lại và được tính là xuất xứ của Việt Nam. Nhưng nếu nhập khẩu đầu vào, các nguyên liệu đầu vào thì giá trị gia tăng và sản phẩm làm ra là rất hạn chế. Nên cái quan trọng ở đây là cần phải lựa chọn một cách thông minh, quy hoạch vùng nguyên liệu để phát triển, phù hợp với ngành công nghiệp hỗ trợ và đặc biệt là nâng cao hàm lượng chế biến, gia tăng giá trị trong các mặt hàng xuất khẩu của nước ta.
Xin cám ơn ông!