Mỹ - Trung:
Xung đột có thể nổ ra, nhưng Chiến tranh thương mại “hồi sau mới rõ”
Khoảng 1.300 hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ có thể bị áp mức thuế mới, mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tăng dần. Nhưng thực tế cũng không hẳn là như thế.
Một cuộc chiến tranh thương mại chỉ xảy ra trong trường hợp một trong các bên muốn phá bỏ và thiết lập lại luật chơi mới. Đe dọa chiến tranh thương mại có thể chỉ là một công cụ để các bên thực hiện bài toán lợi ích của mình.
Khi Trung Quốc ...dọa kiện
Động thái mới nhất là Mỹ dự định áp rào cản thương mại lên số hàng hóa có tổng trị giá 50 tỷ USD nhằm trừng phạt Trung Quốc vì ăn cắp các bí mật thương mại từ các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm phần mềm, bằng sáng chế và các công nghệ khác. Theo thông tin từ Đại diện Thương mại Mỹ, mức thuế 25% sẽ được áp dụng cho tất cả các sản phẩm. Trong đó, nhiều mức thuế mới sẽ nhắm vào ngành hàng không, công nghệ và máy móc của Trung Quốc. Số khác nhắm vào thiết bị y tế, thuốc men và thiết bị dạy học.
Tờ CNNMoney đưa tin, Trung Quốc cho biết họ đã nắm trong tay danh mục hàng hoá xuất khẩu của Mỹ, họ sẽ chọn mục tiêu trả đũa nếu Mỹ theo kế hoạch. Mới đây Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thẳng, Trung Quốc sẽ không bắt đầu chiến tranh thương mại nhưng Trung Quốc không sợ nó. “Chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng nếu ai đó muốn đẩy sự việc đi đến một cuộc chiến thực sự".
Tuy nhiên, bình luận về phản ứng của Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng, gói “trả đũa” 3 tỷ USD của Trung Quốc cũng chẳng thấm vào đâu so với 60 tỷ mà Mỹ đưa ra, nó chỉ là tín hiệu muốn nói rằng Trung Quốc cũng có thể đáp trả nếu muốn. Nhưng thực tế, Trung Quốc mong muốn đối thoại để giải quyết vấn đề hơn là đối đầu. Bởi nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc.
Nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn còn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu. Bắc Kinh có thể mất nhiều hơn, bởi nước này đang có thặng dư thương mại lớn với Washington. Xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ.
Trong khi, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% xuất khẩu của quốc gia này. Năm 2017, Trung Quốc xuất khẩu 505 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, trong lúc chỉ nhập khẩu 135 tỷ USD hàng hóa của các công ty Mỹ.
Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc, nhưng nếu các căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ. Nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này là bất lợi lớn đối với Trung Quốc. Cuối cùng, cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lại gặp khó khăn.
... còn ông Trump “giơ cao cây gậy”
Tất nhiên, các rào cản thương mại mà Mỹ muốn dựng lên sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Chính quyền Trump dự định sẽ tổ chức một phiên điều trần công khai với các doanh nghiệp Mỹ. Và kể cả sau phiên điều trần đó cũng chưa rõ các biện pháp "trừng phạt" có được áp dụng hay không. Người ta cho rằng, ông Trump cũng đang dè chừng.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến sự việc, chính những người ủng hộ Mỹ cũng cho rằng, Washington đã chẩn đoán đúng vấn đề với Trung Quốc, nhưng đã có biện pháp khắc phục sai. "Chính quyền đã tập trung đúng vào việc khôi phục lại công bằng và tiến tới công bằng trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc áp thuế đối với chính các sản phẩm tiêu dùng phục vụ người Mỹ và người tạo việc làm không phải là cách để đạt được những mục tiêu đó", Phó chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Myron Brilliant phân tích.
Việc Chính phủ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng bị cho là sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sinh hoạt tại nước này. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi Chính quyền của Tổng thống Trump đã loại bỏ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Mexico khỏi danh mục các nước bị áp thuế mới lên hai loại hàng hóa bị áp thuế đầu tiên là thép và nhôm thì lượng thép và nhôm xuất khẩu từ Trung Quốc chỉ còn chiếm 2% tổng mức tiêu thụ của Mỹ. Đó là con số rất nhỏ, bởi vậy khả năng tăng giá hàng tiêu dùng mới chỉ là nguy cơ.
Nhóm vận động ủng hộ nông dân Mỹ cũng đã lên tiếng đề nghị Chính quyền của Tổng thống Trump không nên tiếp tục dựng rào cản thương mại đối với hàng Trung Quốc, do lo ngại bị trả đũa. Dù gì, nền kinh tế số hai thế giới cũng là một trong những nước mua gạo nhiều nhất của Hoa Kỳ. "Chúng tôi đang tiếp tục thúc giục Chính quyền hãy lắng nghe những người nông dân Mỹ - những người không có khả năng chi trả thêm mức thuế mới cho hàng hóa xuất khẩu của họ", Đồng chủ tịch Hội Nông dân Tự do và cũng là Cựu Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Max Baucus cho biết.
Hơn nữa, phần lớn doanh thu của các "đại gia" Mỹ từ Apple cho tới Microsoft, từ hãng quần áo Nike tới các cửa hàng cà phê Starbucks... phụ thuộc vào thị trường gần 1,5 tỷ dân này. Nguy cơ lớn nhất còn chưa tới khi nhiều công ty Mỹ bị ảnh hưởng mới chỉ đang nằm trong "tầm ngắm" của Trung Quốc.
Nhận định về tình hình hiện tại trên NYDailyNews, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Derek Scissors cho rằng, động thái của các bên hiện nay mới chỉ là một cuộc đấu "ăn miếng trả miếng", bởi gói thuế 60 tỷ USD của Mỹ và 3 tỷ USD đáp trả của Trung Quốc chưa phải là nhiều so với quy mô nền kinh tế hàng nghìn tỷ USD của mỗi nước.
Cũng quan điểm như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, điều nguy hiểm tùy thuộc vào những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Leo thang hay xuống thang có thể gây ra các diễn biến phức tạp hơn hay không?
Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không bên nào chịu kiềm chế, tiếp tục tung ra những đòn đáp trả lẫn nhau, đó là một cuộc chiến thương mại toàn diện. Nếu không, các hoạt động đe dọa cũng chỉ là động thái dè chừng lẫn nhau.