Ý nghĩa Ngày Thế giới không thuốc lá
Theo Nghị quyết WHA42.19 của Hội đồng Y tế Thế giới, ngày 31/5 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá. Mục đích nhằm tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu, đồng thời gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút thuốc lá chủ động cũng như bị động, mà hằng năm cướp đi sinh mạng của khoảng 5,4 triệu người trên toàn cầu.
Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập Ngày Thế giới không thuốc lá vào năm 1987 nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu đối với nạn dịch thuốc lá và những tác hại gây chết người của nó.
Đây là dịp để nhấn mạnh các thông điệp về kiểm soát thuốc lá cụ thể và tăng cường tuân thủ Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Hút thuốc là nạn dịch số một có thể ngăn chặn được mà cộng đồng y tế phải đối mặt.
Từ đó đến nay, ngày Thế giới không thuốc lá đã nhận được sự ủng hộ của những người không hút thuốc lá, các Chính phủ, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Ngày Thế giới Không thuốc lá được kỷ niệm hàng năm nhằm nhấn mạnh những rủi ro sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm mức tiêu thụ thuốc lá.
Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà lẽ ra có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá hiện gây ra 10% trong số các ca tử vong có thể tránh được ở người trưởng thành trên toàn thế giới.
Mục tiêu của Ngày thế giới không thuốc lá là để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai không chỉ khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do thuốc lá, mà còn tránh khỏi các hậu quả về kinh tế, môi trường và xã hội của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động.
Theo WHO, hiện nay trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19, đặc biệt ở những người mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 được WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.
Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tại Việt Nam,theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới…